Vụ Việt Á: Bất ngờ cựu Giám đốc CDC Hậu Giang cùng 2 thuộc cấp thoát án tù
Sáng 21/8, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đưa vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) ra xét xử lần thứ 2.
Vụ án này liên quan đến sai phạm xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hậu Giang (CDC Hậu Giang). Các bị cáo trong vụ án này, gồm: Nguyễn Văn Lành, cựu Giám đốc CDC tỉnh Hậu Giang; Hà Tấn Bình Đẳng, cựu Trưởng Khoa xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng và Huỳnh Thị Hồng Đoan, cựu Trưởng Khoa dược - Vật tư y tế.
Theo cáo trạng, từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2021, bị cáo Nguyễn Văn Lành đã liên hệ với Trần Tiến Lực (nhân viên bán hàng của Công ty Việt Á) để trao đổi về việc mượn kit xét nghiệm của công ty sản xuất sử dụng trước rồi thanh toán tiền sau.
Bị cáo Nguyễn Văn Lành, Hà Tấn Bình Đẳng và Huỳnh Thị Hồng Đoan (từ trái qua phải) - (Ảnh: PLO) |
Tiếp đó, cựu Giám đốc CDC Hậu Giang đã chỉ đạo bị cáo Hà Tấn Bình Đẳng (cựu Trưởng Khoa xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh) lập bảng dự trù vật tư, sinh phẩm hóa chất xét nghiệm, ghi rõ số lượng, chủng loại, mặt hàng do Công ty Việt Á sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo bị cáo Đoan soạn thảo văn bản, thông qua Lực gửi đến công ty mượn hàng. Sau đó, thông đồng hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục cho công ty Việt Á trúng thầu nhằm trả nợ theo đơn giá công ty Việt Á đưa ra.
Sau đó, CDC tỉnh Hậu Giang đã thanh toán, quyết toán cho công ty Việt Á tổng 6 gói thầu với số tiền 5,1 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền 3,2 tỷ đồng.
Sau khi thanh toán, quyết toán Trần Tiến Lực báo cáo cho Tổng giám đốc công ty Việt Á chi “lại quả” cho Nguyễn Văn Lành tổng cộng là 450 triệu đồng; Hà Tấn Bình Đẳng 557 triệu đồng và Huỳnh Thị Hồng Đoan gần 86 triệu đồng.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cho rằng, hành vi của các bị cáo đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát ngân sách nhà nước; các bị cáo phạm tội lần đầu, có thân nhân tốt. Bên cạnh đó, có người thân có công cách mạng, bản thân các bị cáo có nhiều đóng góp trong quá trình công tác...
Ngoài ra, các bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, nên đủ điều kiện xem xét chính sách khoan hồng đặc biệt.
Vì thế, Hội đồng xét xử đã áp dụng Điều 59 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và hướng dẫn tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao miễn hình phạt cho các bị cáo.