Vũ điệu sắc màu
Vẽ hoa văn trên vải thổ cẩm của người Mông |
Nét văn hóa truyền thống
Dường như công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận này không gây chút trở ngại nào cho chị Vương Y Ma. Vừa thoăn thoắt xe chỉ, luồn kim, vừa vui vẻ chuyện trò, chị kể, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của người phụ nữ Mông ở Kỳ Sơn. Bức thổ cẩm được dệt lên từ sợi bông, sợi lanh và sợi gai nhuộm sậm. Hoa văn thường là hình chim, thú, hoa, lá và được phối màu tỉ mỉ tạo cảm giác hoang sơ, huyền bí.
Chị Vương Y Ma cho biết, các cô gái Mông đều rất giỏi thêu thùa, may vá. Ngay từ nhỏ, họ đã được truyền dạy kỹ thuật pha màu, phối sắc sao cho đẹp và bắt mắt. Mỗi tấm thổ cẩm mang một nét đặc trưng và sắc thái riêng biệt. Cùng trên nền vải sẫm màu nhưng có tấm mang màu sắc nhẹ nhàng, họa tiết mềm mại, có tấm lại rực rỡ với những họa tiết góc cạnh nhưng rất hài hòa. “Thổ cẩm không chỉ là vật dụng hàng ngày mà còn là bức tranh phản ánh tính cách, tâm hồn của người dệt” - chị Vương Y Ma chia sẻ.
Để hỗ trợ cải thiện sinh kế bền vững cho người phụ nữ Mông ở Kỳ Sơn, Craft Link đã triển khai dự án lần 2 tại xã Huồi Tụ với kinh phí hỗ trợ trên 350 triệu đồng. Nội dung chủ yếu tập huấn nâng cao kỹ năng sản xuất, quản lý và kết nối tiêu thụ. |
Nhìn theo bộ trang phục rực rỡ, nhất là chiếc thắt lưng được tạo nên từ những ô vuông lụa màu hồng và xanh lá cây được trổ thành hình hoa văn đáp trên nền vải trắng; nghe tiếng leng keng phát ra từ các đồng xu được đính trên thắt lưng của chị Vương Y Ma và những người bạn đồng hành, tôi chợt liên tưởng tới vũ điệu sắc màu và âm thanh vui tươi nơi miền sơn cước xanh mướt màu cỏ cây, hoa lá.
Tạo sự đổi thay kỳ diệu
Câu chuyện của chúng tôi rôm rả hơn khi có sự tham gia của chị Vũ Thị Huyền - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kỳ Sơn. Được sinh ra và lớn lên trên dải đất biên giới miền Tây xứ Nghệ, chị Huyền tự hào về nét văn hóa độc đáo và sự cần mẫn chịu khó của người dân nơi đây. Nhưng hơn hết, vẫn là nỗi trăn trở “Vòng luẩn quẩn nghèo đói, dân trí thấp, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, nghề phụ không phát triển cứ như sợi dây trói chặt cuộc sống của người phụ nữ Mông ở Kỳ Sơn” - chị Vũ Thị Huyền tâm sự.
Kỳ Sơn vốn là vùng “đất lửa”, trong quá khứ, nơi đây nổi tiếng là “cái rốn” trồng cây thuốc phiện. Mặc dù cho thu nhập cao, nhưng đời sống của người dân không được cải thiện bởi thu nhập quá dễ dàng từ nguồn phi pháp khiến người dân tiêu pha xa xỉ, không cất trữ, đầu tư để sinh lợi lâu dài, trẻ em không được đến trường. Đặc biệt, hầu hết đàn ông tại vùng đất này nghiện hút thuốc phiện, trở thành gánh nặng và nỗi khổ tâm của các gia đình.
Để giúp người phụ nữ Kỳ Sơn cải thiện sinh kế, năm 2001, Craft Link đã triển khai Dự án “Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế bền vững và giữ gìn truyền thống văn hóa cho cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kỳ Sơn”. Tham gia dự án có 4 nhóm sản xuất với gần 100 chị em người dân tộc Mông và Thái tại 4 xã Huồi Tụ, Nậm Cắn, Hữu Lập và Tà Cả. Bên cạnh hỗ trợ khôi phục cách thêu truyền thống, Craft Link đã tập huấn những kỹ năng cơ bản cho Ban quản lý nhóm như: Làm quen với các mảng màu, công cụ; phân biệt loại vải, loại chỉ; bảo quản nguyên liệu; ghi chép sổ theo dõi và quản lý nguyên liệu; giao – nhận mảnh thêu cho các thành viên… Dự án đã dành nhiều thời gian tập huấn về cách kết hợp giữa kỹ thuật thêu truyền thống và hiện đại, cập nhật một số mẫu mới nhằm tạo ra những sản phẩm hợp với xu hướng nhưng không mất đi nét riêng của thổ cẩm Mông Kỳ Sơn.
Tỉ mỉ, cẩn thận trên từng mũi kim |
Sau 2 năm thực hiện, cơ bản các nhóm đã tự sản xuất và tiêu thụ được sản phẩm. Mặc dù thu nhập từ nghề mới chỉ dừng ở mức 2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng nhưng đó đã là con số “trong mơ” của phụ nữ Mông tại Kỳ Sơn. Bởi trước kia, phụ nữ nơi đây chủ yếu dệt thổ cẩm mang tính tự cung, tự cấp, sản phẩm chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bản thân và gia đình, nay đem lại thu nhập thường xuyên. Tuy nhiên, cái được lớn nhất là dự án đã tạo tư duy làm kinh tế cho chị em phụ nữ Mông từ chính nét văn hóa truyền thống. “Dự án đã giúp phụ nữ Mông thoát khỏi tầm nhìn bó hẹp trong thôn bản và mở mang tư duy về thị trường, hàng hóa” - chị Huyền cho hay.
Hơn nữa, việc cải thiện sinh kế từ chính nghề truyền thống, từ sự lao động vất vả đã giúp chị em cũng như gia đình họ trân quý hơn sức lao động. Dưới sự đấu tranh quyết liệt và bền bỉ vận động tuyên truyền của các cấp chính quyền, nạn trồng cây thuốc phiện tại Kỳ Sơn dần được xóa bỏ. Dự án của Craft Link đã góp một phần mang lại sinh kế lâu dài cho người dân nơi đây. Mặc dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng “bóng đen” từ cây thuốc phiện đã không còn, trẻ em đã được đến trường và vũ điệu sắc màu thổ cẩm ngày một rực rỡ trên vùng “đất lửa” Kỳ Sơn.