Vụ Công ty AIC: Bộ Công an yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm ra đầu thú
Chiều 11/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CO3) đã ra quyết định khởi tố bị can và truy nã bị can về hành vi phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn |
Theo Bộ Công an, ngoài bà Nhàn, Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã 7 bị can gồm: Trần Mạnh Hà (SN 1971, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC); Đỗ Văn Sơn (SN 1977, nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC); Nguyễn Thị Sen (SN 1984, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị y tế và Môi trường); Nguyễn Thị Tích (SN 1962, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mopha); Ngô Thế Vinh (SN 1965, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh trang thiết bị y nha khoa Việt Tiên); Nguyễn Đăng Thuyết (SN 1970, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thành An Hà Nội); Đỗ Mỹ Hạnh (SN 1982, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Quốc tế Cát Vân Sa).
Để phục vụ công tác điều tra, C03 yêu cầu các bị can đến C03 hoặc cơ quan công an nơi gần nhất đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bộ Công an cho rằng, nếu các bị can tiếp tục bỏ trốn, Cơ quan điều tra coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa. Nếu các bị can trên không ra đầu thú trong giai đoạn điều tra, C03 sẽ điều tra, kết luận vụ án theo quy định của pháp luật.
Liên quan sự việc trên, trước đó ngày 29/4, C03 ra lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn để điều tra về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Hành vi có dấu hiệu phạm tội xảy ra khi bà Nhàn giữ chức Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC.
Lệnh truy nã được Bộ Công an phát đi ngày 10/5, sau 10 ngày cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Nhàn. Cơ quan điều tra xác định thời điểm tống đạt lệnh bắt tạm giam đối với bà Nhàn thì bà này đã bỏ trốn.