Vụ Anna Bắc Giang: Luật sư cho rằng đủ căn cứ chứng minh phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội "lừa đảo"
Trưa 13/10, Ninh Thị Vân Anh (Tina Dương, hay Anna Bắc Giang; 27 tuổi, trú huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) bị PC02 - Công an tỉnh Bình Thuận bắt để điều tra về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Ninh Thị Vân Anh của PC02 - Công an Bình Thuận được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận phê chuẩn vào cùng ngày.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 24/1/2022, Ninh Thị Vân Anh gọi điện đến Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Gia Đình Việt, có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh để thuê xe tự lái với thời hạn là 3 tháng và yêu cầu công ty giao xe tại TP. Phan Thiết. Hợp đồng được ký kết, Vân Anh đã trả tiền thuê xe 3 tháng tổng cộng là 50 triệu đồng.
Đến ngày 24/4/2022 hết thời hạn thuê xe theo hợp đồng, phía công ty nhiều lần liên lạc yêu cầu trả lại xe nhưng Vân Anh không trả lời và cố tình trốn tránh.
Đầu tháng 6/2022, Vân Anh điều khiển xe ra TP. Ninh Bình và mở cửa hàng bán trái cây. Tại đây, Vân Anh đã đem chiếc xe trên bán cho anh Bùi Đức Hiếu (28 tuổi, trú TP. Hà Nội) với giá 450 triệu đồng.
Anna Bắc Giang Ninh Thị Vân Anh bị cơ quan chức năng đọc quyết định tạm giam |
Sau khi nhận tiền đặt cọc (390 triệu đồng), Vân Anh về lại TP.Hồ Chí Minhrồi làm giả một giấy đăng ký xe ô tô biển số 51H - 242.74, mang ra giao cho Hiếu để tạo lòng tin. Cả hai hẹn đến ngày 30/6/2022 sẽ chuyển đủ tiền và làm thủ tục chuyển nhượng sang tên chủ xe. Tuy nhiên, đến ngày 30/6, anh Hiếu nhiều lần liên lạc với Tina Dương và yêu cầu làm thủ tục sang tên chủ xe như đã thỏa thuận thì cô gái này né tránh không đến với nhiều lí do. Do thiếu nợ nhiều người, Vân Anh bỏ trốn vào TP. Hồ Chí Minh và sau đó ra Bình Thuận.
Trao đổi với Báo Công Thươngvề vấn đề pháp lý xung quanh sự việc này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo thông tin ban đầu từ Cơ quan điều tra Công an TP. Phan Thiết, việc khởi tố được đưa ra sau khi cơ quan này đã có kết quả định giá ô tô biển số 51H-242.74 có giá trị trên 500 triệu đồng. Đây là vụ việc liên quan đến đơn tố giác của anh L.K.D. (quê Đồng Tháp) về việc cô gái này thuê chiếc ô tô tự lái, rồi chạy ra TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình bán lại cho người khác.
Theo đó, đề cập đến mức xử phạt đối với hành vi “lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của Ninh Thị Vân Anh, theo luật sư Tiền: Đối với hành vi thuê xe ô tô, sau đó chiếm đoạt tài sản rồi đem đi bán với giá trị tài sản ước tính là trên 500 triệu đồng thì Vân Anh có thể đối diện với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Bên cạnh đó, cô này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ngoài ra, trong trường hợp bên bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì Vân Anh phải có nghĩa vụ bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Chiếc ô tô Ninh Thị Vân Anh thuê rồi mang đi bán với giá 450 triệu đồng |
Lý giải về thắc mắc của nhiều độc giả về hành vi của Anna Bắc Giang có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là các tội danh xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên phụ thuộc vào hành vi khác nhau, phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản khác nhau, đối tượng người bị hại khác nhau trong một chuỗi mối quan hệ mà việc xác định tội danh cũng như xác định tư cách của những người tham gia tố tụng là câu chuyện đôi khi còn gây tranh cãi.
Hiện nay, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, còn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.
Cụ thể, trong vụ việc này, tình tiết đáng chú ý là đối tượng Vân Anh đã làm giả đăng ký xe để bán cho người khác nhằm chiếm đoạt số tiền bán xe tài sản và tiền mặt. Trong giao dịch này yếu tố gian dối để chiếm đoạt tài sản là rất rõ ràng, chiếc xe không phải là tài sản của đối tượng này nhưng đối tượng đã gian dối bằng cách làm giả giấy tờ xe.
Như vậy theo luật sư Cường, hành vi trên thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, có thể bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.
Bên cạnh đó, do giấy tờ giả nên thủ tục bán xe không hợp pháp, có yếu tố gian dối làm cho hợp đồng vô hiệu và tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chủ xe là bên cho thuê. Theo diễn biến của sự việc, chiếc xe này vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên cho thuê, chiếc xe đã bị thu hồi và trả lại cho chủ xe, bởi vậy chủ xe không bị chiếm đoạt tài sản.
Chủ xe chỉ bị thiệt hại là số tiền thuê xe kéo dài quá thời hạn hợp đồng vẫn chưa được trả. Trong vụ này người bị hại rõ ràng nhất là người mua xe và thiệt hại ở đây là số tiền của người mua xe đã bị chiếm đoạt. Hành vi không trả lại xe sau khi hết hạn hợp đồng chỉ là hành vi sử dụng trái phép tài sản, rất khó để chứng minh là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Còn nhiều nạn nhân tố cáo
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra còn nhận đơn tố cáo của ông Nguyễn Huy N. (ngụ TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) tố cô gái này dùng nhiều thủ đoạn gian dối, dựng lên nhiều câu chuyện để chiếm đoạt của ông 1,5 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra đã xác minh, làm việc và Ninh Thị Vân Anh đã thừa nhận lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông N.
Xe Mercedes đứng tên người khác được Ninh Thị Vân Anh đã giao cho ông N. |
Cơ quan điều tra đang làm rõ thông tin một số tài khoản có liên quan, mối quan hệ của người nhận tiền để có căn cứ xử lý. Đối với chiếc xe Mercedes mà Ninh Thị Vân Anh đã đưa cho ông N, theo xác minh xe này đăng ký của một người tên T. ở quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra còn có hai đơn tố cáo khác, trong đó đơn của anh N.Đ.P ngụ TP. Phan Thiết tố cáo Ninh Thị Vân Anh mượn 400 triệu đồng “lo cho người thân bị bệnh hiểm nghèo”. Tuy nhiên đến hẹn, Ninh Thị Vân Anh trốn tránh không trả.
Lá đơn còn lại của chị Đ.T.K.T ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai tố cáo Ninh Thị Vân Anh lừa đảo chiếm đoạt 800 triệu đồng cũng với thủ đoạn lo cho người thân bị bệnh hiểm nghèo và hợp tác kinh doanh.
Ngoài ra, còn rất nhiều nạn nhân khác vẫn tiếp tục gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng tố cáo Ninh Thị Vân Anh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều đọc giả băn khoăn, nếu quá trình xác minh những đơn tố cáo đang được cơ quan chức năng tiếp nhận có đủ căn cứ, hình phạt mức xử phạt dành cho cô gái này sẽ như thế nào?
Thông tin thêm về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, trong trường hợp, cơ quan điều tra xác minh được những đơn tố cáo này là có căn cứ, thì phải ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi phạm tội đó theo quy định tại Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 9 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP. Từ đó, cơ quan tố tụng sẽ tiến hành các bước tiếp theo, nếu có căn cứ chứng minh cô này phạm nhiều tội khác hoặc cùng một tội thì mức hình phạt áp dụng đối với hành vi trái pháp luật của cô này sẽ được tổng hợp theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.