Vĩnh Phúc: Nhiều tồn tại trong quản lý Nhà nước về thực hiện dự án cụm công nghiệp
Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước trong triển khai thực hiện một số dự án cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn từ năm 2015 - 31/12/2022. Qua thanh tra, chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót.
Chủ đầu tư chưa được giao đất để triển khai CCN Đồng Thịnh. Ảnh: Internet |
Công tác khảo sát, lập, thẩm định quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đối với một số CCN chất lượng còn hạn chế. Trong khoảng thời gian 4 năm, phải điều chỉnh bổ sung quy hoạch 4 lần. 6 CCN đã hình thành, chưa giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, là chưa đảm bảo theo quy định; chưa thành lập đơn vị để quản lý và đề xuất đầu tư hoàn thành hạ tầng CCN: Hương Canh, Thanh Lãng, thị trấn Lập Thạch, là chưa đảm bảo theo quy định.
Chất lượng lập, thẩm định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của một số CCN còn hạn chế, dẫn đến quá trình triển khai thực hiện còn có 7/16 CCN phải điều chỉnh, đáng chú ý CCN thị trấn Yên Lạc phải điều chỉnh 7 lần, CCN làng nghề Tề Lỗ điều chỉnh 13 lần, đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án CCN.
Việc trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 CCN thị trấn Yên Lạc cả phần rãnh thoát nước hiện hữu từ trước của khu dân cư vào diện tích đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp, hộ gia đình thuê sử dụng để sản xuất, kinh doanh... dẫn đến phát sinh đơn thư, khiếu kiện liên quan công tác bồi thường của các hộ kinh doanh đến nay vẫn chưa được giải quyết xong; 3 CCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa được triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 là chưa đảm bảo theo quy định.
Sở Công Thương tham mưu một số nội dung liên quan đến công tác quản lý Nhà nước đối với CCN còn chưa kịp thời, chậm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu CCN trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Công tác triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt kết quả còn thấp. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai thực hiện còn chậm, kéo dài, kém hiệu quả; 7/16 CCN thực hiện bồi thường, GPMB đạt tỷ lệ thấp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Chủ đầu tư dự án CCN thị trấn Yên Lạc không phối hợp để thực hiện dự án, không bố trí được kinh phí để thực hiện GPMB dự án, do vậy, việc mở rộng CCN thị trấn Yên Lạc chưa thực hiện xong; 2/16 CCN chưa thực hiện bồi thường, GPMB.
Đối với 14 CCN đã có cơ sở sản xuất đi vào hoạt động, có 8 CCN chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; 2 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hoạt động kém hiệu quả; 3 CCN đã và đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Một số CCN có các doanh nghiệp được giao đất, hoạt động trước khi CCN thành lập, giao chủ đầu tư, là chưa đảm bảo theo quy định tại Khoản 2, 3, Điều 149 và điểm đ, Khoản 1, Điều 175 Luật Đất đai 2013.
Công tác quản lý, bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, đến nay chỉ có 1 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đang hoạt động, vận hành ổn định và nộp phí bảo vệ môi trường; 2 CCN có hệ thống xử lý nước thải hoạt động kém hiệu quả; 6 CCN đã hình thành nhưng chưa có nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng.
UBND các huyện, thành phố nơi có các CCN chưa thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong CCN thực hiện việc báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến lĩnh vực đầu tư, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường của các sở liên quan và UBND cấp huyện còn ít, chưa được thường xuyên. Việc kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu khắc phục vi phạm sau thanh tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao; một số vi phạm, hạn chế được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chưa được khắc phục nghiêm túc, triệt để, nhất là việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các hộ kinh doanh tại các CCN: Tề Lỗ, Yên Đồng.
Công tác bồi thường, GPMB CCN Đồng Thịnh chậm triển khai thực hiện, đến thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư vẫn chưa được giao đất để thực hiện dự án; việc chủ đầu tư thực hiện san gạt trên một số thửa đất đã thực hiện xong công tác bồi thường, GPMB khi chưa được cơ quan Nhà nước giao đất là chưa đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ đầu tư, để phòng ngừa tình trạng người dân tái canh tác, chủ đầu tư đã tổ chức san gạt trên một số thửa đất đã thực hiện xong bồi thường, GPMB; vi phạm trên chưa được UBND huyện Sông Lô có biện pháp xử lý.
Đối với CCN làng nghề Minh Phương, đến nay, vẫn chưa thực hiện xong công tác bồi thường, GPMB để giao đất cho chủ đầu tư; một số nhà đầu tư thứ cấp trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN thực hiện không đúng theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra, kết quả thực hiện hỗ trợ phát triển CCN theo Nghị quyết 50 và Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh còn thấp. Đến thời điểm kiểm tra, mới chi hỗ trợ được 40,819/150 tỷ đồng cho 2 CCN, đạt 27,2% tổng vốn ngân sách bố trí dành cho hỗ trợ phát triển CCN theo nghị quyết của HĐND; chưa thực hiện được việc hỗ trợ 10% thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (đến nay, Nghị quyết số 50/2018/NQ-HĐND ngày 18/12/2018 của HĐND tỉnh đã hết hiệu lực).
Để xảy ra những tồn tại, thiếu sót nêu trên, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc xác định trách nhiệm thuộc về Sở Công thương, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc và chủ đầu tư các dự án CCN.
Thanh tra tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo giám đốc các sở, chủ tịch UBND các huyện và các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN tổ chức họp kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền để có hình thức xử lý phù hợp với những tồn tại, thiếu sót được nêu trong kết luận thanh tra.