Thứ hai 23/12/2024 21:39

Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh

Không chỉ là nhiệm vụ, chuyển đổi xanh còn là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng hình ảnh một địa phương hiện đại, bền vững.

Cơ hội từ chuyển đổi xanh

Phát biểu tại Hội nghị “Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững” do UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup tổ chức vào sáng 23/11, ông Trần Duy Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết: Sau gần 30 năm tái lập, kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, trung bình đạt 13,8%/năm trong giai đoạn 1997-2022; quy mô nền kinh tế năm 2023 là 158,1 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 14 toàn quốc; thu ngân sách nhà nước đứng thứ 10/63 tỉnh thành. GRDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 5.400 USD, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NH

“Cơ cấu kinh tế Vĩnh Phúc chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2023 chiếm tỷ trọng 62,02%. Thu ngân sách nhà nước của tỉnh Vĩnh Phúc luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, từ năm 2004 đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp điều tiết về ngân sách trung ương” - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thêm.

Mặc dù đạt được những thành tựu tích cực, nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang phải đối mặt với những thách thức có liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu; thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất được triển khai ngoài các khu công nghiệp và cụm công nghiệp có liên quan tới các ngành nghề sản xuất nguyên liệu thô như: Thép, sắt, vật liệu xây dựng…

Trong bối cảnh này, tỉnh Vĩnh Phúc đang từng bước nghiên cứu, xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh nhằm đạt được mục tiêu Net Zero, phù hợp với các định hướng và chính sách của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược này bao gồm việc phát triển hạ tầng bền vững, bảo vệ môi trường và khuyến khích các giải pháp năng lượng tái tạo.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra một số giải pháp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực xanh, cụ thể: Rà soát, sắp xếp lại quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chọn lọc trong thu hút đầu tư cùng với định hướng thu hút FDI xanh, chủ động hạn chế một số dự án gây ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất da, cao su, dệt nhuộm, giấy và không chấp thuận các dự án có tính chất sản xuất ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng xây dựng Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 17/4/2023. Trong đó có xác định mục tiêu là thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng tập trung đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để đưa ra các giải pháp phát triển xanh bền vững như: Hỗ trợ dự án Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc, định hướng dự án trở thành cảng cạn đạt mức phát thải ròng bằng 0 đầu tiên của châu Á vào năm 2040; thành lập Tổ công tác giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty Honda Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát thải ra môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất.

Phát biểu tại hội nghị, bà Bùi Kim Thùy - chuyên gia kinh tế, nguyên Đại diện cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) - cho rằng: Chuyển đổi xanh không phải là điều gì đó xa lạ, không phải là xu thế mà là hướng đi bắt buộc của các doanh nghiệp, địa phương. Còn theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Chuyển đổi xanh không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là cơ hội để Vĩnh Phúc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng hình ảnh một địa phương hiện đại, bền vững.

Tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững”. Ảnh: NH

Giải pháp để Vĩnh Phúc chuyển đổi xanh thành công

Chuyển đổi xanh đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên các ý kiến tại toạ đàm cũng cho rằng, các giải pháp chuyển đổi xanh hiện còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong triển khai không chỉ đối với cơ quan nhà nước mà còn với các doanh nghiệp.

Để hoá giải những thách thức có thể gặp phải trong hành trình tiến đến kỷ nguyên xanh, TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, Vĩnh Phúc cần tập trung vào 7 giải pháp, bao gồm: Lồng ghép chuyển đổi xanh vào chiến lược và quy hoạch tỉnh; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; phát triển kinh tế xanh và khu công nghiệp sinh thái; huy động nguồn lực tài chính xanh; tăng cường quản lý môi trường; hợp tác và kết nối vùng; xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh.

Trong đó, với giải pháp lồng ghép chuyển đổi xanh vào chiến lược và quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng: Trước hết, tỉnh Vĩnh Phúc cần tích hợp mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị.

Cụ thể, Vĩnh Phúc cần xây dựng các khu đô thị sinh thái, các vùng nông nghiệp hữu cơ kết hợp năng lượng tái tạo, và tăng cường diện tích cây xanh đô thị. Quy hoạch phát triển công nghiệp cũng cần áp dụng tiêu chí xanh hóa, khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải và sử dụng năng lượng sạch. Ngoài ra, Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh thực hiện Đề án Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 theo hướng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế ít phát thải, tận dụng tiềm năng về năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Liên quan đến giải pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Vĩnh Phúc có thể tận dụng các lợi thế địa phương để phát triển năng lượng tái tạo. Ví dụ, điện mặt trời áp mái là giải pháp khả thi cho các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất và hộ gia đình. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng cần xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư, như trợ giá hoặc giảm thuế cho các dự án năng lượng sạch. Cùng với đó, tỉnh nên khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, với vai trò là một trung tâm công nghiệp, Vĩnh Phúc cần thúc đẩy mô hình khu công nghiệp sinh thái, để các khu công nghiệp có thể trở thành hình mẫu trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng chất thải của một doanh nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác. Đồng thời, tỉnh nên xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu phát thải, và ưu tiên các ngành công nghiệp giá trị cao, ít ô nhiễm như công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm.

Cũng đưa ra những giải pháp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc trong tiến trình chuyển đổi xanh, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho rằng: Logistics cũng là ngành có tốc độ phát thải khí nhà kính cao, trong khi đó, Vĩnh Phúc lại là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp lớn, theo đó Vĩnh Phúc cần thúc đẩy phát triển logicstis xanh thông qua việc sử dụng nhiên liệu giảm phát thải; phương tiện giao thông chạy điện, năng lượng tái tạo thay vì chạy xăng; nâng cao hiệu suất động cơ và tối ưu hoá quá trình vận chuyển hàng hoá.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết thoả thuận hợp tác toàn diện về chuyển đổi xanh giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup. Phát biểu về sự kiện này, bà Lê Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast toàn cầu - cho rằng: Lễ ký kết thoả thuận là "cột mốc" quan trọng mở đầu cho chặng đường hợp tác đầy triển vọng giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup.

"Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng tỉnh Vĩnh Phúc nghiên cứu các giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch xanh, công nghiệp xanh, hạ tầng đô thị xanh, giao thông xanh và lối sống xanh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng ngày càng bền vững hơn" - bà Lê Thị Thu Thuỷ nhấn mạnh.

Nguyễn Hoà
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Vĩnh Phúc

Tin cùng chuyên mục

Đồng Tháp thu hút đầu tư 66 dự án, tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng

Hiệu quả vận hành hồ Thủy điện A Vương trong mùa mưa lũ năm 2024

Gia Lai: Học sinh hào hứng với nhiều trải nghiệm thú vị khi được hoá thân thành chiến sĩ

Ngành Công Thương Sơn La đề xuất 5 giải pháp chống lãng phí

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo: Hỗ trợ người dân làng Nủ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa

Quảng Bình: Đảm bảo cung ứng nguồn hàng hoá an toàn cho thị trường Tết nguyên đán

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp để tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025