Vĩnh Phúc: Các khu công nghiệp hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước
Gần 500 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến tháng 12/2023, các khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được 473 dự án đầu tư trong và ngoài nước còn hiệu lực. Trong đó có 111 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư 32.973,14 tỷ đồng và 362 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 6.372,13 triệu USD.
Tính đến tháng 12/2023, các khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được 473 dự án đầu tư trong và ngoài nước còn hiệu lực (Ảnh minh hoạ) |
Hiện đã có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó dẫn đầu là Hàn Quốc với 181 dự án; đứng thứ hai là Đài Loan (Trung Quốc) và đứng thứ 3 là Nhật Bản.
Riêng năm 2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 23 dự án FDI mới và 44 lượt dự án FDI tăng vốn, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 576,55 triệu USD, đạt 135% so với cùng kỳ năm 2022 và 165% kế hoạch năm 2023.
Cũng trong năm 2023, các khu công nghiệp trong tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút 15 dự án trong nước và 4 lượt DDI dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 6.482 tỷ đồng, đạt 138% so với cùng kỳ năm 2022 và 216% so với kế hoạch năm 2023.
Với kết quả trên, ông Vũ Kim Thành – Phó trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận những thắng lợi lớn. Để có được những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2023, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, đặc biệt chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Cụ thể, Ban Quản lý đã chủ động tiếp cận, xúc tiến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các dự án phù hợp với quy hoạch, tính chất ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, đồng thời hướng dẫn, đưa các nhà đầu tư đi tham quan các khu công nghiệp, khảo sát địa điểm, thủ tục đầu tư… để mời gọi, thu hút dự án đầu tư mới; cung cấp thông tin, quảng bá về môi trường, chính sách đầu tư của địa phương cho Cơ quan xúc tiến Thương mại Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA Hà Nội); thông tin tuyên truyền tới các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham dự Triển lãm quốc tế Điện tử và Thiết bị thông minh Việt Nam (IEAE 2023)... Đồng thời tham dự các hội nghị, hội thảo về thu hút đầu tư và kết nối đầu tư các khu công nghiệp tới các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước. Hoàn thiện nội dung, biên tập bộ tài liệu xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp năm 2023…
Để tạo lợi thế trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc cũng tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển khu công nghiệp theo quy hoạch và kế hoạch, giám sát chủ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các công trình quan trọng, thiết yếu như: Nhà máy xử lý nước thải; đường giao thông; hệ thống chiếu sáng; cây xanh…, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, để thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp.
Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước |
Thu hút thêm khoảng 35 dự án vào năm 2024
Chia sẻ về mục tiêu thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2024, ông Vũ Kim Thành cho biết, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút khoảng 8-10 dự án DDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 700-1.000 tỷ đồng; thu hút khoảng 20-25 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 350 triệu USD. Cùng với đó, có thêm khoảng 20-25 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 300-350 triệu USD; vốn thực hiện của các dự án DDI đạt khoảng 1.200-1.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các khu công nghiệp: Chấn Hưng; Lập Thạch I và Lập Thạch II; triển khai khởi công xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp: Sông Lô I; Phúc Yên và Đồng Sóc.
Để đạt được hiệu quả các chỉ tiêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các khu công nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, tính chất ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và định hướng, chủ trương của tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện môi trường, ít phát sinh khí thải nhà kính, có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó tập trung thu hút FDI vào các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế của địa phương như: Công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp công nghệ số (gồm công nghiệp phần mềm; trí tuệ nhân tạo; các ngành công nghiệp mới, sản xuất chip, bán dẫn sử dụng công nghệ mới...); công nghiệp ô tô; công nghiệp hỗ trợ; phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, sản xuất vật liệu mới; đầu tư phát triển bất động sản khu công nghiệp.
Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước theo chỉ đạo của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Tăng cường công tác nắm tình hình, xu hướng đầu tư trên thế giới và trong khu vực, dự báo sát thực tiễn để có các giải pháp phù hợp, linh hoạt, kịp thời trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thẩm định, cấp phép đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.