Vinaconex 5: 40 năm bài ca xây dựng hào hùng
- Tự hào truyền thống hào hùng
Cứ mỗi độ thu về, trong tiết trời lất phất mưa thu của tháng 9 các thế hệ người thợ Vinaconex 5 ở khắp nơi lại tề tựu về gặp nhau, tự hào ôn lại những năm tháng lao động hào hùng của một thời đã cùng nhau sát cánh chia ngọt sẻ bùi với nhau trên những công trình trọng điểm quốc gia như: Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, khu liên hợp dệt Nam Định, nhà máy xi măng Bỉm Sơn và tham gia xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… 40 năm trôi qua có người mất, có người còn, những người thợ già và trẻ hôm nay của Vinaconex 5 vẫn đầy nhiệt huyết tay trong tay cùng nhau cất cao lời hát “Trên công trường rộn tiếng ca” của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính “Đôi bồ câu đang bay về hướng. Anh cùng em đi ra công trường… Ơ ớ nào! Ta xây những nhà máy.Ta xây những công trình. Trời xanh vươn ống khói. Xuân sang khắp nơi nơi. Xua tan những nghèo đói. Xua tan những lầm than. Mẹ cha vẫn ước mơ ngàn đời vẫn ước mơ… Nào đi ta đi lên. Dựng xây quê hương ta Bừng sáng… đẹp trong muôn câu ca”. Dường như trong niềm vui ấy có xen lẫn tiếng nấc xúc động ngẹn ngào của những người thợ trong lời hát bởi kỷ niệm ùa về trong họ, mới đấy mà đã 40 năm.
Gần nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành nhiều thế hệ người thợ của công ty không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu thành lập. Ra đời trong lúc đất nước đang bước vào giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất với đế quốc Mỹ xâm lược, trên cơ sở hợp nhất Công ty kiến trúc Ninh Bình và Công ty kiến trúc Nam Hà, ngày 29/9/1973, công ty được thành lập với tên gọi Công ty Xây dựng số 5, nhiệm vụ chính là xây dựng công trình trọng điểm của nhà nước.
Phần thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba… và nhiều bằng khen khác. Mục tiêu giai đoạn 2011- 2015: Tối đa hóa hiệu quả hoạt động, trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xây lắp dân dụng và công nghiệp, tiếp tục phát huy sức mạnh trong xây lắp theo hướng hiện đại hóa về công nghệ thi công. Thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mỗi năm từ 10% trở lên. |
Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình hoàn thành, năm 1976 là công trình đánh dấu bước khởi đầu quan trọng đối với công ty. Sau đó, công ty tiếp tục được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ xây dựng nhà máy xi măng và khu công nghiệp vật liệu xây dựng Bỉm Sơn - Thanh Hóa, đây là công trình mở đầu trang sử mới rất đáng tự hào của những người thợ công ty Vinaconex 5. Trong hội nghị đại biểu các đơn vị xây lắp công trình nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đổng Sĩ Nguyên lúc bấy giờ chia sẻ: “Đảng và Nhà nước, Bộ Xây dựng biểu dương sự hy sinh vượt khó của các đồng chí, đã thấy hết sự vất vả chịu đựng của các đồng chí, với tư chất của một người lính cụ Hồ, tôi tin tưởng các đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Được sự quan tâm động viên chia sẻ, tập thể CBCNV công ty đã cùng các đơn vị bạn đạp bằng khó khăn, chấp nhận thiếu thốn, làm thêm ca, gắng thêm sức lực, khả năng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiểu rõ mục tiêu quan trọng của công trình này để sớm có nhiều xi măng cho việc xây dựng đất nước, công ty đã cùng các đơn vị bạn xây dựng nhà máy xi măng Bỉm Sơn hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Không những thế, trong quá trình thi công, theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, công ty đã cử 500 cán bộ, công nhân kỹ thuật chi viện cho các công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Hòa Bình, thủy điện Trị An và nhiệt điện Phả Lại. Việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nhà máy xi măng Bỉm Sơn, tăng cường lực lượng cán bộ, công nhân cho các công trình trọng điểm của nhà nước lúc bấy giờ đã đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Vinaconex 5, đồng thời khẳng định được năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công nhân có đủ điều kiện để xây dựng những công trình mới với yêu cầu kỹ thuật cao.
Lớn mạnh không ngừng
Mỗi năm đi qua, thành quả lao động và niềm vui lại được nhân lên nhiều hơn. Từ năm 1989, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công ty đã chủ động tiếp cận đấu thầu những dự án mới có quy mô lớn như xi măng Văn Xá- Huế, xi măng Áng Sơn - Quảng Bình, xi măng Hữu Lũng - Lạng Sơn, xi măng Hà Bắc… và nhiều công trình dân dụng khác. Thời kỳ này, công ty còn vươn ra tiếp cận với thị trường xây dựng Lào với hai công trình chợ Sáng và nhà Quốc hội nước bạn Lào đã được Chính phủ Lào đánh giá cao về uy tín và chất lượng.
Ông Ngô Hải An chia sẻ, lớp người trẻ của Vinaconex 5 hôm nay quyết tâm phát huy thành tích đạt được, khắc phục vượt qua khó khăn để thích ứng kịp thời tình hình mới của đất nước. Lãnh đạo công ty đề ra chủ trương “Tìm đủ việc làm, làm có uy tín, làm có hiệu quả, làm đúng pháp luật”.
Từ năm 2001 đến nay, với uy tín của mình và được tổng công ty tin tưởng, Vinaconex 5 tiếp tục được giao tham gia xây dựng các công trình: Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, cầu Thanh Trì, cầu vượt Ngã Tư Sở, Trung tâm hội nghị quốc gia, Bảo tàng Hà Nội… Tại các công trình lớn này, một lần nữa Vinaconex 5 khẳng định được năng lực của mình trong việc đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và tiến độ xây dựng.
Những năm gần đây, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngành xây dựng hết sức khó khăn, diễn biến thị trường phức tạp, giá cả nguyên vật liệu đầu vào thay đổi từng ngày gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá thành sản phẩm xây lắp. Bình tĩnh đối mặt với thách thức, lãnh đạo công ty đã khẩn trương nhận định, đánh giá giai đoạn biến động, áp dụng kịp thời các biện pháp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của thị trường. Do đó, kết quả sản xuất, kinh doanh của Vinaconex 5 vẫn đạt và vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể trong 3 năm gần đây, doanh thu đều đạt từ 600- 800 tỷ đồng/năm, bảo đảm ổn định thu nhập cho người lao động bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận duy trì mức cao, trả cổ tức hàng năm từ 10 - 14%...
“Hiện nay, công ty đang trong giai đoạn hoàn thiện mô hình quản lý công ty mẹ - con theo chủ trương chung của tổng công ty. Đây sẽ là cơ hội để công ty tạo ra sức mạnh và lợi thế để tiếp bước và nối dài con đường của Vinaconex 5 trong thời gian tới ” - ông Ngô Hải An khẳng định.
Vũ Điển