Việt Nam - Thái Lan: Hướng tới cân bằng cán cân thương mại
Năm nay, Lễ hội Thái Lan tại Việt Nam có sự tham gia của 70 doanh nghiệp Thái Lan, xin ông cho biết, thị trường cũng như cơ hội đầu tư tại Việt Nam đang có sức hấp dẫn như thế nào với doanh nghiệp Thái Lan?
Lễ hội Thái Lan 2019 là sự kiện thường niên được tổ chức tại Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Thái Lan một cách sâu rộng hơn đến người dân Việt Nam, mà còn là dịp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Theo đó, tại sự kiện này, ngoài giới thiệu sản phẩm, các mặt hàng, dịch vụ của Thái Lan, sẽ tổ chức các chương trình kết nối, gặp gỡ doanh nghiệp hai bên trong tất cả các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác, từ nông nghiệp, thương mại đến dịch vụ du lịch, y tế.
Thời gian qua, sản phẩm, dịch vụ của Thái Lan đã có được vị trí vững chắc tại thị trường Việt Nam, và ngày càng có thêm cơ hội để phát triển. Vì vậy, thị trường Việt Nam được doanh nghiệp Thái Lan đánh giá rất tiềm năng; cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư khá rộng mở. Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam cũng như Ủy ban Đầu tư Thái Lan thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm hàng đầu Thái Lan tại Việt Nam, quan tâm tới việc tổ chức đưa các đoàn doanh nghiệp Thái Lan sang tìm hiểu thị trường, môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan giúp nhiều sản phẩm hàng Việt Nam được thị trường Thái Lan đón nhận |
Hiện có nhiều sản phẩm, mặt hàng của Thái Lan đã hiện diện và được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích. Theo đánh giá của ông, thế mạnh cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan là gì so với hàng hóa của nước khác tại thị trường Việt Nam?
Thái Lan đang có thế mạnh về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, điện tử, cũng như một số mặt hàng tiêu dùng khác. Thực tế, khi tham gia các thị trường nước ngoài, chúng tôi đều đưa những sản phẩm chất lượng, hàng đầu; tìm hiểu kỹ nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các sự kiện giao thương, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp tại các thị trường chủ lực, tiềm năng.
Ông Tanee Sangrat - Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam |
Một số sản phẩm của Thái Lan như thảo dược, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng, và dự kiến sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển tại Việt Nam thời gian tới. Để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, xu thế tiêu dùng của người dân Việt Nam, chúng tôi đang nỗ lực cải thiện về chất lượng, cải tiến khâu đóng gói bao bì, hướng tới bảo đảm an toàn, thân thiện môi trường; tăng cường tổ chức các sự kiện giao thương, xúc tiến quảng bá sản phẩm tới thị trường Việt Nam.
Hiện sản phẩm Việt Nam tại thị trường Thái Lan còn khá khiêm tốn. Theo ông, muốn mở rộng kinh doanh tại thị trường Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có cách tiếp cận như thế nào?
Kinh tế Việt Nam đang không ngừng phát triển, có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh với sản phẩm hàng đầu, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong đó, có nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam rất chất lượng, ví dụ như quả thanh long là một sản phẩm được chúng tôi yêu thích. Thực tế, sản phẩm Việt Nam đang xuất hiện và được thị trường Thái Lan đánh giá cao, song hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường Thái Lan của doanh nghiệp còn khá ít, điều này phần nào hạn chế cơ hội tiếp cận người tiêu dùng Thái Lan của sản phẩm Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, để nắm được đúng nhu cầu, xu hướng của thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thái Lan đang tăng trưởng tích cực, dự kiện năm 2019 sẽ đạt 18 tỷ USD. Với tốc độ này, Đại sứ Tanee Sangrat tin tưởng mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2020 có thể đạt được. |