Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, nỗ lực giải quyết thách thức khu vực và toàn cầu
Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2023 với chủ đề "Đảm bảo tương lai tự cường: Các giá trị chung và đối tác toàn cầu", đây là Hội nghị quan trọng nhất của OECD trong năm 2023 có sự tham gia của Bộ trưởng các nước thành viên OECD và các nước khách mời, lãnh đạo Uỷ ban châu Âu (EC) và nhiều tổ chức quốc tế, đại diện Mạng lưới doanh nghiệp OECD…
Nhận lời mời của Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann và Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh James Cleverly, từ ngày 7 - 8/6, tại Thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2023. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị với tư cách Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP).
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2023 |
Tại Hội nghị, công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu, OECD nhận định GDP toàn cầu năm 2023 đạt mức 2,7%, điều chỉnh tăng 0,1% so với dự báo tháng 3/2023, trong khi GDP toàn cầu năm 2024 vẫn ở mức 2,9%. Kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn ổn định hơn, song những tín hiệu tích cực còn rất mong manh và những rủi ro tiếp tục hiện hữu. OECD đánh giá châu Á là động lực thúc đẩy tăng trưởng và là điểm sáng của kinh tế toàn cầu năm 2023 và 2024.
Trên cơ sở dự báo của OECD, các Bộ trưởng đã thảo luận những biện pháp nhằm tạo những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu, đa dạng hoá và tự cường hoá chuỗi cung ứng, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi năng lượng sạch, xây dựng các quy định ở phạm vi toàn cầu liên quan đến các công nghệ mới,…
Các nước OECD khẳng định coi trọng vai trò của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á là một trong những ưu tiên hàng đầu của OECD. Hội nghị nhất trí tăng cường phối hợp, hỗ trợ các nước Đông Nam Á duy trì đà tăng trưởng kinh tế tích cực và ngày càng tiệm cận các tiêu chuẩn và quy định của OECD.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tăng trưởng chỉ có thể bền vững và bao trùm với cách tiếp cận toàn cầu, tổng thể, đặt người dân ở vị trí trung tâm; các quốc gia cần tiếp tục kiến tạo các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo hướng đến một hệ sinh thái xanh hơn, sạch hơn và thông minh hơn; quá trình này cần triển khai đồng bộ, nhịp nhàng từ thể chế chính sách đến thiết chế bộ máy, từ hạ tầng đến công nghệ, từ đầu tư tài chính đến đào tạo nhân lực, bảo đảm không ai hay quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đưa ra ba đề xuất quan trọng.
Một là, OECD và các nước cần tăng cường phối hợp chính sách, hạn chế các rào cản, bảo hộ thương mại và đầu tư, xây dựng hệ thống thương mại toàn cầu thông suốt, vận hành trên cơ sở luật lệ, tự do, công bằng, minh bạch và bao trùm với WTO ở vị trí trung tâm.
Hai là, OECD, với vai trò tư vấn chính sách, xác lập các tiêu chuẩn toàn cầu, tiếp tục tăng cường gắn kết, đối thoại với các nước đang phát triển, tính tới điều kiện, quan điểm của các nước ngoài OECD trong quá trình hoạch định các chính sách, tiêu chuẩn toàn cầu.
Ba là, OECD tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao khả năng cạnh tranh, định vị quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng hiệu quả với các điều chỉnh chính sách toàn cầu, trong đó có thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon qua biên giới…; giúp rút ngắn các khoảng cách số và công nghệ, đào tạo kỹ năng, phát huy tiềm năng của lao động nữ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực giải quyết thách thức khu vực và toàn cầu.
Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa các nước Đông Nam Á và OECD, Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng OECD - Đông Nam Á lần thứ hai vào tháng 10/2023. Sáng kiến của Việt Nam được Hội nghị hoan nghênh và đánh giá cao.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng tham dự nhiều hoạt động quan trọng khác, bao gồm Diễn đàn toàn cầu về công nghệ của OECD, Hội thảo về các diễn biến chính sách thuế toàn cầu, tập trung thảo luận việc triển khai thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu trong khuôn khổ hai trụ cột của Hiệp định đa phương thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định thuế về ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS MLI). |