Việt Nam nhập khẩu những mặt hàng nào từ thị trường Nga?
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi 1 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Nga, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng có đà tăng trưởng lớn nhất bao gồm phân bón tăng tới 372% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, từ mức 32 triệu USD lên 152 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2024. Lượng phân bón nhập khẩu cũng tăng từ 60.617 tấn lên 335.581 tấn, tương ứng gấp 5,5 lần.
Kim loại thường khác là mặt hàng có tăng trưởng lớn thứ hai về kim ngạch với +100% so với cùng kỳ năm trước, đạt 18 triệu USD. Lượng nhập khẩu kim loại thường khác cũng cao gấp 2 lần, lên mức 7.158 tấn.
5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 2,4 triệu tấn than từ thị trường Nga |
Đứng sau là linh kiện, phụ tùng ô tô khi tăng 89% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,7 triệu USD; hóa chất tăng 71% so với cùng kỳ năm trước, đạt 37,7 triệu USD… Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi 13,9 triệu USD để nhập lúa mì từ thị trường này, cùng kỳ năm trước không ghi nhận số liệu.
Đáng chú ý, mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Nga là thancũng tăng 96% về lượng, đạt 2,4 triệu tấn; từ đó kéo kim ngạch nhập khẩu than lên mức 471 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Nga là một trong 7 thị trường chính cung cấp than nhập khẩu cho Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2024, tổng lượng than nhập khẩu từ Nga chiếm gần 9% tổng lượng than nhập khẩu của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, hàng thủy sản nhập từ Nga giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, còn 47 triệu USD; cao su giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 9,8 triệu USD; dược phẩm giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 13,5 triệu USD…
Một số mặt hàng kim ngạch nhỏ nhưng có mức giảm sâu như: Sắt thép giảm 91% so với cùng kỳ năm trước, dây điện và dây cáp điện giảm 77% so với cùng kỳ năm trước, ô tô giảm 45% so với cùng kỳ năm trước…
Về kim ngạch, ngoài than và phân bón là hai mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Nga, Việt Nam còn chi 51 triệu USD nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ với 15,8 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép với 14,9 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước…