Việt Nam có bước phát triển vượt bậc về năng lượng tái tạo
Chiều 17/8, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành ủy Đà Nẵng và Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức hội thảo tham vấn khu vực miền Trung và Tây Nguyên về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với Biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24).
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 24, ứng phó với biến đổi khí hậu đã chủ động hơn, quản lý tài nguyên hiệu quả hơn, bảo vệ môi trường đã đạt nhiều kết quả tích cực |
Ông Đặng Quốc Khánh – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 cho biết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm, chú trọng hơn. Thể chế, chính sách được hoàn thiện thêm một bước với những tư duy mới, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng của thời đại. Ứng phó với biến đổi khí hậu nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ coi thích ứng là trọng tâm sang giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, các- bon thấp. Tài nguyên được điều tra, đánh giá, được quản lý bền vững hơn, được phân bổ theo tín hiệu thị trường thông qua đấu giá quyền sử dụng, quyền khai kết hợp thác, tư duy về bảo vệ môi trường được chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm lớn. Kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa, tạo lập điều kiện để phát triển.
Tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai vẫn còn lớn, diễn biến và các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; việc khai thác tài nguyên vẫn còn chưa thực sự bền vững, việc sử dụng chưa thật tiết kiệm, hiệu quả; cường độ sử dụng tài nguyên, năng lượng còn ở mức cao so với thế giới; xu hướng ô nhiễm môi trường còn tiếp diễn, suy thoái đa dạng sinh học chưa được ngăn chặn.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 24, việc quản lý và sử dụng tài nguyên có những kết quả tích cực. Tài nguyên đất đai sử dụng hiệu quả hơn; cơ bản chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, chưa qua chế biến; về tài nguyên nước đã thiết lập 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, triển khai phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; chính sách bảo vệ và phát triển rừng đạt được nhiều kết quả, chi trả dịch vụ môi trường rừng hiệu quả; nguồn thu từ các loại tài nguyên năm 2022 đạt 25.600 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2013.
Đến năm 2022, tỷ trọng điện năng từ điện gió, điện mặt trời đạt 26,5%, cao gấp 40 lần so với năm 2010 |
Đặc biệt, năng lượng tái tạo đạt bước phát triển vượt bậc. Đến năm 2022, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.626 MW; tỷ trọng điện năng từ điện gió, điện mặt trời đạt 26,5%, cao gấp 40 lần so với năm 2010. Đến năm 2020, tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng năng lượng thương mại sơ cấp đạt 14,9%, gấp 3 lần mục tiêu đề ra (trên 5%). Việt Nam được đánh giá là một trong những nước phát triển năng lượng tái tạo nhanh trên thế giới.
Về bảo vệ môi trường, đến năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt 92,5% (năm 2012 là 80,5%); khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 91% (năm 2012 là 60%); tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (đô thị) đạt 96% (năm 2012 là 82%); tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02% (năm 2012 là 40,7%)….
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành, địa phương miền Trung – Tây Nguyên đã thông tin về các kết quả cụ thể thực hiện Nghị quyết 24; đồng thời, cùng các chuyên gia đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện Nghị quyết 24 trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.