Thứ hai 23/12/2024 11:25

Viện Kiểm sát: Trùm buôn lậu gửi "tiền công đức" cho cựu Tư lệnh cũng là hối lộ

Viện kiểm sát bác bỏ lời khai của Phan Thanh Hữu về khoản tiền công đức và cho rằng đó cũng là hành vi hối lộ vì ông Minh là người có chức vụ quyền hạn.

Ngày 14/7, thực hành quyền công tố tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và “Không tố giác tội phạm” liên quan nhiều cựu sĩ quan Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng khu vực phía Nam có hành vi bảo kê cho trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu (SN 1957, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), sau hai ngày Toà án Quân sự Quân khu 7 xét xử, Viện kiểm sát đã đề nghị mức án đối với hai cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển và 12 bị cáo khác.

Theo Viện kiểm sát Quân sự Bộ đội Biên phòng, hành vi nhận hối lộ của nhóm bị cáo là cựu quân nhân, cựu công an đã gây ảnh hưởng xấu đến danh dự lực lượng công an, quân đội. Đây là bài học sâu sắc đối với các cán bộ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Đại diện Viện kiểm sát cũng khẳng định, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi nhận tiền từ “ông trùm” Phan Thanh Hữu, các bị cáo đã tiếp tay, hoặc làm ngơ, hoặc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, giúp cho đường dây xăng lậu hoạt động trong thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý.

Bị cáo Lê Văn Minh (áo trắng) và bị cáo Lê Xuân Thanh tại phiên toà

Nhận tiền tỷ "bảo kê" cho "trùm" buôn lậu

Với bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) viện kiểm sát nhận định đã nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu 6,9 tỉ đồng, tạo điều kiện, giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động buôn lậu trên biển của Hữu không bị phát hiện, bắt giữ.

Viện kiểm sát chỉ ra những căn cứ xác đáng, Phan Thanh Hữu có nhiều lời khai cho thấy có quen biết và nhờ bị cáo này giúp cho việc buôn lậu, sau đó chi tiền hối lộ. Mỗi khi có tàu chở xăng lậu về, Hữu đều báo cho bị cáo Minh biết. Đặc biệt, hai bên còn trao đổi tin nhắn về tọa độ nào an toàn để tàu neo đậu.

Bên cạnh đó, ngoài trực tiếp đưa tiền cho cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, “ông trùm” Hữu còn có một số lần chuyển qua tài khoản của vợ và con gái ông Minh.

Hành vi của Lê Văn Minh đã đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Viện kiểm sát ghi nhận bị cáo Minh từng là cán bộ cấp tướng, có nhiều đóng góp cho lực lượng cảnh sát biển, quá trình giải quyết vụ án đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đến nay, ông Lê Văn Minh đã khắc phục toàn bộ 7,1 tỷ đồng.

Căn cứ trên những tài liệu, chứng cứ, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh từ 15-17 năm tù.

Sau phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát, tự bào chữa trước tòa, ông Minh thừa nhận có quen biết với Hữu và nhận tiền từ “ông trùm” xăng lậu. Tuy nhiên, cựu thiếu tướng mong Hội đồng xét xử xem xét vì thực tế hai bên không có sự thỏa thuận ăn chia hàng tháng.

“Mỗi lần tôi vào TP.Hồ Chí Minh Hữu cho 150 -200 triệu đồng vào bảo em đưa mấy đồng anh tiêu. Hữu đưa bao nhiêu tôi biết bấy nhiêu, chưa bao giờ đặt vấn đề phải chi cho tôi bao nhiêu hoặc tôi phải làm gì” – bị cáo nói.

Đáng chú ý, quá trình xét hỏi trước đó, “ông trùm” Phan Thanh Hữu thay đổi một phần lời khai, cho rằng số tiền chuyển qua tài khoản của vợ và con gái ông Minh là để công đức chứ không phải hối lộ.

Bào chữa cho ông Minh, luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khấu trừ phần tiền công đức nêu trên ra khỏi tổng số tiền mà Viện kiểm sát cáo buộc là nhận hối lộ.

Tuy nhiên, trong bản luận tội của mình, đại diện Viện kiểm sát bác bỏ lời khai của Phan Thanh Hữu về khoản tiền công đức. Vì ông Minh là người có chức vụ quyền hạn, Hữu là người thực hiện hành vi phạm tội, dù cho hoặc tặng tiền dưới bất cứ hình thức nào thì cũng đều là vi phạm pháp luật.

Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và “Không tố giác tội phạm”

"Tôi vô cùng ân hận, xin lỗi Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, xin lỗi gia đình, quê hương..."

Đối với bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3), Viện kiểm sát cho rằng, với chức vụ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, bị cáo quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định đến bờ Bắc cửa Định An, tỉnh Trà Vinh; đồng thời có chức năng đảm bảo trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển, tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển.

Thế nhưng, bị cáo lại thông qua vợ của mình để nhận hối lộ từ Phan Thanh Hữu với số tiền 1,8 tỉ đồng, tạo điều kiện cho đường dây buôn lậu xăng của Hữu hoạt động trong thời gian dài mà không bị phát hiện, bắt giữ.

Quá trình điều tra, ban đầu, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 không thừa nhận hành vi nhận tiền nhưng cũng không giải thích được về số tiền mà vợ mình nhận từ Hữu. Về sau, bị cáo thừa nhận Hữu từng đến nhà riêng, nhờ giúp đỡ việc buôn xăng lậu.

Về việc Hữu đưa tiền cho vợ mình, bị cáo nói không biết, có thể vợ từng thông báo nhưng vì bận việc gì đó nên không để ý.

Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát cũng ghi nhận bị cáo có nhiều cống hiến cho lực lượng cảnh sát biển, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính hơn 1,8 tỷ đồng.

Theo đó, Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo Lê Xuân Thanh là 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Đối với bị cáo Phan Thị Xuân (vợ bị cáo Lê Xuân Thanh), Viện kiểm sát đánh giá đã khai báo thành khẩn. Bị cáo biết rõ vị trí, chức vụ công tác của chồng mình; cũng nhận thức được tiền Hữu chi hàng tháng là nhằm hối lộ cho chồng, nhưng vẫn nhiều lần nhận với tổng cộng 1,8 tỉ đồng.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phan Thị Xuân (vợ bị cáo Lê Xuân Thanh) từ 24-36 tháng tù, cho hưởng án treo.

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Lê Xuân Thanh nói rất ân hận khi để xảy ra những hành vi sai phạm như bản luận tội của Viện kiểm sát đã quy kết.

“Tôi vô cùng hối hận, trước tòa, tôi xin gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, xin lỗi Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, xin lỗi gia đình, quê hương…” – cựu thiếu tướng nói.

Ông Thanh phân trần: "Với cương vị là tư lệnh, trước tiên, bị cáo xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vấn đề đã xảy ra trong thời gian qua. Bị cáo mong Hội đồng xét xử căn cứ vào các tình tiết của vụ án, nhân thân, gia đình, thành tích trong quá trình công tác để xem xét một cách khách quan".

“Tôi năm nay đã 62 tuổi, sức khỏe có nhiều bệnh nền, thường xuyên ốm đau, kính mong Hội đồng xét xử xem xét cho hưởng những tình tiết khoan hồng” – bị cáo giãi bày.

Bào chữa cho bà Xuân, luật sư đồng ý với quy kết của Viện kiểm sát, tuy nhiên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Cùng tội danh “nhận hối lộ”, bị cáo Nguyễn Văn Hùng (cựu Thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng Cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh) bị đề nghị 17 năm tù;

Bị cáo Phạm Văn Trên (cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh) từ 9-11 năm tù;

Bị cáo Nguyễn Thanh Lâm (cựu Trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng) từ 10-12 năm tù;

Bị cáo Lê Văn Phương (cựu Thượng tá, cựu Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Trà Vinh) từ 3-4 năm tù;

Bị cáo Lưu Thế Đức (cựu Thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2) và bị cáo Sơn Hoàng Ngự (cựu Thượng úy, nhân viên Đồn Biên phòng Cảng Trường Long Hòa) cùng bị đề nghị từ 4-5 năm tù;

Bị cáo Nguyễn Văn An (em họ bị cáo Nguyễn Thế Anh, cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) từ 17-18 năm tù;

Bị cáo Phạm Hồ Hải (cựu Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh) từ 7-8 năm tù.

Bị cáo Cao Phước Hoài (quê Bình Định, lao động tự do) bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù về tội “Không tố giác tội phạm”.

Về tội “Buôn lậu”, bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) bị đề nghị từ 7-9 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang) bị đề nghị tù chung thân về tội “Nhận hối lộ” và từ 1-2 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Tổng hợp hình phạt cả hai tội danh, bị cáo Nguyễn Thế Anh bị đề nghị án chung thân.

Phong Linh
Bài viết cùng chủ đề: Tổng cục Hải quan

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế đối với Công ty Cổ phần Trung Sơn

Bạc Liêu: Công ty Vật liệu xây dựng Phúc Lộc Thọ bị cưỡng chế thuế

Phú Quốc: Đầu tư tiền tỷ cải tạo vườn hoang, bị kiến nghị phạt tội huỷ hoại đất

Thực hư thị trường cao hổ bạc tỷ - Bài 1: Những toán người bí ẩn trong ngôi nhà cổ

Thanh tra TP. Hồ Chí Minh: Công ty Công Ích quận 7 thu lợi gần 6 tỷ đồng không đúng quy định

Hà Nội: Làm rõ trách nhiệm vụ tưới xăng đốt quán cà phê khiến 11 người tử vong

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế Công ty CP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam

Hà Nội: Nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người tử vong có 2 tiền án

Đắk Lắk: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 4 doanh nghiệp nợ thuế

Lào Cai: Công khai thông tin 7 doanh nghiệp, hợp tác xã nợ thuế trên địa bàn huyện Bắc Hà

Quảng Bình: Khởi tố 7 bị can hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Cảnh sát giao thông Đắk Lắk phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gần 70 kg pháo hoa nổ lậu

Thanh Hóa: Bắt 5 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán pháo nổ liên tỉnh

Thanh Hóa: Kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Thạch Thành

Lào Cai: Tạm hoãn xuất cảnh 3 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế

Nghệ An: Phá đường dây mua bán trái phép hơn 500 tài khoản ngân hàng để lừa đảo và rửa tiền

Vĩnh Long: Công ty Cổ phần cảng Bình Minh nợ thuế hơn 36 tỷ đồng

Đồng Tháp: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn Công ty TNHH Nguyễn Vang do nợ thuế hơn 9,6 tỷ đồng

Khởi tố đối tượng khai thác đất trái phép tại Hoà Bình

Thanh Hóa: Cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa