Vì sao giao dịch tiền ảo chưa đưa vào Luật Phòng chống, rửa tiền (sửa đổi)?
Thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) ngày 1/11, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế, nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế phù hợp với các chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống rửa tiền, phát hiện, xử lý những vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản có liên quan đến tham nhũng và kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu |
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu nhấn mạnh, sự phát triển của kinh tế số cũng là cơ hội để các đối tượng tội phạm có hành vi gian lận tinh vi, phức tạp hơn, bao gồm các hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao thông qua các kênh thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trên nền tảng số…
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền. "Rửa tiền là vấn đề toàn cầu, không chỉ làm ảnh hưởng an ninh quốc gia, mà còn đe dọa tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính" - đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho rằng, tội phạm lợi dụng khoa học công nghệ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, không loại trừ có các hành vi rửa tiền. Hiện tại, có một loại dữ liệu trên không gian mạng được một số người gán cho giá trị, được gọi là tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử.
Có tình trạng sử dụng khoa học công nghệ, dữ liệu trên không gian mạng để thực hiện các thỏa thuận trao đổi giữa các cá nhân trên phạm vi toàn cầu, vượt qua các quy định về mặt tài chính, tiền tệ của các quốc gia, khu vực.
Đại biểu nhấn mạnh, đây là giao dịch trên các nền tảng trực tuyến, hoặc thỏa thuận cá nhân không chính thức, không hề được kiểm soát, do loại dữ liệu này chưa được pháp luật công nhận về mặt giá trị, nhưng không vì thế mà không tồn tại các giao dịch, trao đổi thỏa thuận với chức năng như có đồng tiền riêng thực thụ.
"Ở khía cạnh nào đó, đã tồn tại thị trường giao dịch loại dữ liệu trên không gian mạng này, xét về kinh tế thì có tiền thật, tài sản thật đổ vào tài nguyên này, chưa có pháp luật kiểm soát, dẫn tới hậu quả là gây nhiều thiệt hại cho nhiều người dân" - đại biểu Hoàng Thị Đôi cho hay.
Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 theo hướng, quy định khung pháp lý để kiểm soát toàn bộ các hình thức chuyển đổi, thỏa thuận trao đổi tiền thông qua các công cụ mã hóa trên không gian mạng, nhằm thực hiện phòng, chống rửa tiền và các loại tội phạm có liên quan.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ ngày 24/10 cũng như tại hội trường hôm nay.
Các ý kiến rất xác đáng, tâm huyết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội đối với công tác phòng, chống rửa tiền nói chung cũng như việc xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi nói riêng.
Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo luật này là các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo luật, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo luật.
“Chính vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Nhóm vấn đề thứ ba, các đại biểu quan tâm rất nhiều, đó là liên quan đến “dấu hiệu đáng ngờ” và báo cáo “giao dịch đáng ngờ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu là mang tính định tính, cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm mang tính phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm của Việt Nam.
Do dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu, sau đó các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin để phân tích, xử lý…
Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng giải trình về nhóm vấn đề liên quan đến các vấn đề về trì hoãn giao dịch. Theo đó, để tránh lạm dụng với ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân dự thảo luật cũng đã quy định thời hạn trì hoãn không quá ba ngày kể từ ngày thực hiện và đối tượng báo cáo được miễn trách nhiệm pháp lý nếu thực hiện theo đúng các quy định của luật…