Vì sao giá gạo tăng nóng nhưng người kinh doanh “kém vui”?
Giá tăng nhưng người bán kém vui
Gần 1 tháng nay anh Ngọc Tuấn - chủ cửa hàng gạo Ngọc Tuấn (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), đứng ngồi không yên khi giá gạo từ các đầu mối giao liên tục báo điều chỉnh tăng. Sẽ không có gì đáng nói nếu cửa hàng này điều chỉnh tăng theo giá đầu vào, nhưng nếu bán giá mới sẽ rất khó bởi thời điểm này sức mua khá chậm.
Theo chia sẻ của anh Tuấn, tất cả các loại gạo đang bán tại cửa hàng không hề tăng giá so với trước mà vẫn giữ nguyên như giá thời điểm cuối tháng 9/2023. “Liên tục 1 tháng nay các nhà cung cấp gạo đã gửi bảng thông báo tăng giá, trong đó mức tăng thấp nhất là 1.000 đồng/kg, có loại gạo tăng hơn 1.500 đồng/kg. Do giá gạo đầu vào tăng cao nên chúng tôi không dám nhập hàng và vẫn bán gạo đã mua dự trữ từ 2 tháng trước”- anh Tuấn cho biết.
Giá gạo trong nước biến động mạnh theo giá xuất khẩu. |
Cũng theo cửa hàng này, hầu hết khách hàng đều là mối quen, mối lâu dài nên anh Tuấn vẫn giữ giá cũ. “Thời điểm này chúng tôi chấp nhận lỗ mặt bằng, lỗ nhân công… để kìm giá bởi lúc này mà tăng khách hàng sẽ không tìm tới mình nữa”- vị đại diện này cho biết thêm và tiết lộ rằng từ đầu năm tới nay đã phải bù lỗ gần 300 triệu đồng vì giá gạo tăng nóng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Triệu - chủ cửa hàng gạo Bình Triệu trên đường số 6, TP. Thủ Đức- cho hay, hiện mỗi yến gạo tẻ thường đã tăng khoảng 2.000 đồng, trong đó gạo hương lài, thơm lài… tăng lên mức 19.000 - 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, các loại gạo nở cũng tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg lên mức 17.000 - 17.500 đồng/kg. "Mặc dù giá gạo nhập vào tăng song khách hàng mua chủ yếu là khách quen nên chúng tôi bán vẫn giữ giá”- ông Triệu cho biết.
Nguyên nhân giá gạo bán lẻ tăng được giới kinh doanh lý giải: Do tác động từ giá gạo xuất khẩu tăng cao trong vòng 3 tháng trở lại đây. Theo đó, kể từ giữa tháng 7/2023 (thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo) tới nay giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt đã tăng trên 100 USD, lên mức đỉnh lịch sử là 643 USD/tấn vào cuối tuần trước.
Chính việc giá gạo xuất khẩu tăng đã tác động tới thị trường gạo nội địa. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xô trong nước đang ở mức 13.500-13.600 đồng/kg trong khi trước đây giá cao nhất chỉ 12.900 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm cũng ở mức 16.100-16.200 đồng/kg - đây là mức giá cao kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu gạocủa Việt Nam.
Giá gạo tăng không chỉ người bán lẻ kém vui mà theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, đã xuất hiện một số trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu do lỗ nhiều quá đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu. “Giá xuất khẩu hiện trên 600 USD nhưng có doanh nghiệp vẫn chưa trả nợ hết đơn hàng ký ở mức hơn 500 USD, dẫn tới việc thua lỗ là khó tránh khỏi”- Phó Chủ tịch VFA thông tin.
Sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt để giữ ổn định thị trường
Trước tình hình sản xuất và xuất khẩu trên thị trường thế giới có nhiều bất ổn, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Theo chỉ đạo này, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh/ thành phố phía Nam cho biết đã và đang tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên nắm tình hình hoạt động mua bán, kinh doanh gạo tại các chợ truyền thống, siêu thị, điểm kinh doanh, chứa trữ; triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Điển hình tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Quản lý thị trường Thành phố cho biết, gạo là loại mặt hàng có giá bán không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá nên việc điều chỉnh giá gạo tùy thuộc giá thị trường, vào tình hình sản xuất và cung cầu nên lực lượng Quản lý thị trường Thành phố tập trung vào việc kiểm tra các vi phạm về không niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng.
Theo Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, mặc dù gạo “sốt giá” từ tháng 7 song qua công tác giám sát, quản lý địa bàn của các Đội Quản lý thị trường, nhìn chung tình hình thị trường gạo trên địa bàn tương đối ổn định, có niêm yết giá. Lực lượng chức năng cũng chưa phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng này.
Liên quan kế hoạch sắp tới, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ… nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng.