Vì sao giá dầu châu Á tăng gần 1%?
Theo hãng tin Reuters, giá dầu châu Á tăng do xuất khẩu dầu từ Nga giảm và các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu ở Biển Đỏ làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung.
Cụ thể, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 69 xu Mỹ (0,9%) lên 77,24 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 65 xu Mỹ (0,9%) lên 72,08 USD/thùng.
“Thời tiết xấu ở Nga đã khiến thị trường mở cửa tăng mạnh mẽ hơn vào sáng nay, cũng như các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu gần Yemen”, nhà phân tích Tony Sycamore của IG cho biết.
Giá dầu châu Á tăng gần 1% |
Trước đó, Nga cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm thêm xuất khẩu dầu trong tháng 12/2023 với khả năng là 50.000 thùng/ngày hoặc sâu hơn và là thời điểm sớm hơn so với cam kết, khi các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới cố gắng hỗ trợ giá dầu toàn cầu.
Các công ty vận tải, bao gồm các hãng vận tải container lớn nhất thế giới MSC và A.P. Moller-Maersk (MAERSKb.CO), cuối tuần qua cho biết sẽ tránh kênh đào Suez khi lực lượng Houthi tăng cường tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ.
Cả dầu Brent và WTI đều kết thúc chuỗi giảm hàng tuần dài nhất trong nửa thập kỷ với mức tăng thấp vào tuần trước, sau khi cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) làm dấy lên hy vọng rằng việc tăng lãi suất đã kết thúc và FED bắt đầu chương trình giảm lãi suất.
Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs, các mô hình thống kê của ngân hàng này đối với các quyết định của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy không loại trừ khả năng OPEC cắt giảm thêm sản lượng, khi dự trữ dầu cao hơn dự kiến.
Dự báo cơ bản của Goldman Sachs là OPEC sẽ duy trì mức cắt giảm như hiện nay trong năm 2024 và quyết định cắt giảm riêng 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia sẽ được tiếp tục đến quý II/2024 và chỉ được điều chỉnh dần từ tháng 7/2024.
Trong khi đó, ông Sycamore, nhận định giá dầu WTI có thể hướng tới mức 80 USD/thùng nhờ khả năng OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng mạnh hơn tại cuộc họp sắp tới.