Vì sao Công ty Phúc Sinh được Tổng cục Hải quan gia hạn doanh nghiệp ưu tiên?
Công ty cổ phần Phúc Sinh (TP. Hồ Chí Minh) được Tổng cục Hải quan công nhận doanh nghiệp ưu tiên lần đầu năm 2015.
Hiện có 75 doanh nghiệp đã được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan |
Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2001. Đến nay, đã phát triển trở thành nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam với doanh số khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.
Công ty đã đạt được mục tiêu phát triển ổn định chuỗi cung ứng nông sản chuyên nghiệp, quy mô lớn cung cấp trên toàn thế giới với khả năng kinh doanh nông sản và nguyên liệu tại tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ…
Doanh nghiệp này đã thành lập phòng thí nghiệm để nghiên cứu các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng 17025, tất cả nhà máy của Phúc Sinh đều được vận hành theo tiêu chuẩn ISO 22000.
Nhờ đó, sản phẩm của Công ty Phúc Sinh được xuất khẩu đến nhiều thị trường ở khắp các châu lục. Đặc biệt, từ năm 2007, Công ty Phúc Sinh đã vươn lên dẫn đầu các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, chiếm 8% thị phần xuất khẩu trên toàn thế giới và giữ vị trí này cho đến nay.
Hiện cả nước có 75 doanh nghiệp đã được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan. Quá trình thực hiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên đã khẳng định những hiệu quả nhất định của chương trình trong việc góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.
Cụ thể, Chương trình doanh nghiệp ưu tiên của Tổng cục Hải quan với nội dung cốt lõi là lựa chọn các doanh nghiệp được cơ quan hải quan đánh giá tuân thủ cao pháp luật hải quan để hưởng ưu tiên về thủ tục kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và thủ tục nộp thuế thông quan hàng hóa, nhằm tiết kiệm thời gian của cả hải quan và doanh nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là chương trình phù hợp với xu hướng phát triển và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới - WCO.
Vì vậy, các doanh nghiệp ưu tiên, bao gồm cả doanh nghiệp FDI đều khẳng định, đánh giá cao hiệu quả của chương trình. Đó là, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, từ đó giảm thời gian nhân công; tiết kiệm các chi phí về thủ tục hành chính (chi phí về thủ tục, hồ sơ, chứng từ, tài liệu phải nộp cho cơ quan Hải quan; chi phí về đơn giản, giảm thủ tục hải quan; giảm chi phí về việc miễn kiểm tra hồ sơ, hàng hóa).
Đặc biệt, chương trình giúp doanh nghiệp tăng uy tín và vị thế đối với đối tác nước ngoài, bởi doanh nghiệp ưu tiên đang được áp dụng tại hơn 100 quốc gia, do đó, các đối tác nước ngoài đều nắm rõ về chương trình. Mặt khác, quá trình triển khai nếu doanh nghiệp gặp vướng mắc sẽ được hỗ trợ trực tiếp, kịp thời...
Vậy, doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong hoạt động hải quan cần đáp ứng các điều kiện nào? Căn cứ khoản 1, Điều 42, Luật Hải quan 2014 quy định về Điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên: Doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 02 năm liên tục; có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm đạt mức quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan; Thực hiện thanh toán qua ngân hàng; Có hệ thống kiểm soát nội bộ; Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.
Doanh nghiệp ưu tiên thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ có ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với Việt Nam được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ, chế độ ưu tiên, việc quản lý đối với doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên.
Bên cạnh đó, Điều 43 Luật Hải quan 2014 cũng quy định chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp. Đó là, miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.
Được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc kể từ ngày nộp chứng từ thay thế tờ khai hải quan, người khai hải quan phải nộp tờ khai hải quan hoàn chỉnh và các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan. Được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế.
Luật Hải quan cũng quy định trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc thực hiện chế độ ưu tiên. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xét, công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ việc áp dụng chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp.
Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm: Kiểm tra, giám sát, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp về chính sách, quy định của pháp luật về thuế và hải quan.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên, định kỳ hàng năm cung cấp cho cơ quan hải quan báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính. Chấp hành các quy định về kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. Thông báo cho cơ quan hải quan quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế, kế toán của cơ quan có thẩm quyền đối với doanh nghiệp.