5 bất cập từ kết quả rà soát điều kiện kinh doanh
Cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua cải cách điều kiện kinh doanh tiếp tục được Chính phủ chú trọng trong những năm gần đây. Với việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch cắt giảm quy định, trong đó có một số quy định về điều kiện kinh doanh.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến 2023 là 2.770 quy định tại 224 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh được cập nhật, công khai trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - CIEM |
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế Trung ương – CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Nghiên cứu, rà soát cho thấy: Trong số những quy định kinh doanh được cắt giảm, số lượng các điều kiện kinh doanh cắt bỏ rất ít hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít ý nghĩa, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Ngoài ra, số lượng quy định được coi là “cắt giảm, đơn giản hóa” chủ yếu tổng hợp theo báo cáo hành chính, chưa có đánh giá về chất lượng cải cách. Do đó, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp trên thực tế chưa thực sự được cắt giảm” – TS Nguyễn Minh Thảo thông tin.
Cũng theo TS Nguyễn Minh Thảo, kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của CIEM vào năm 2023 đưa ra 5 đề bất cập, đó là: Thứ nhất, còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; Thứ 2, điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; Thứ ba, vẫn tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết; Thứ tư, điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật; Thứ năm, điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ khá phổ biến.
Một số ý kiến cũng cho rằng, việc cải cách môi trường kinh doanh nói chung và ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nói riêng có xu hướng chững lại. Đặc biệt, theo TS Nguyễn Minh Thảo: “Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh, ẩn chứa rủi ro, và tạo gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp”.
Kết quả khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, làm gia tăng các chi phí đối với doanh nghiệp.
Cải cách ngành nghề và điều kiện kinh doanh giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ |
Giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp
Để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần cải cách ngành nghề kinh doanh và điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong đó, đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tên của ngành nghề kinh doanh có điều kiện đề xuất đưa vào Danh mục thuộc Phụ lục IV của Luật Đầu tư phải chi tiết, cụ thể, minh bạch, dễ hiểu, dễ xác định; và tên của ngành nghề quy định tại pháp luật chuyên ngành phải thống nhất với tên ngành nghề quy định tại Luật Đầu tư.
“Tránh tình trạng đặt tên ngành nghề tại Danh mục của Luật Đầu tư theo hướng gộp tên các ngành nghề khác nhau; hoặc đặt tên chung để bao trùm và có thể mở rộng nhiều ngành nghề như hiện nay” – TS Nguyễn Minh Thảo kiến nghị.
Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện không được quy định tại Danh mục thuộc Phụ lục IV của Luật Đầu tư nhưng pháp luật chuyên ngành có quy định, cần tiến hành rà soát, đánh giá tác động và kiến nghị sửa đổi Phụ lục IV của Luật Đầu tư. Nếu cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì kiến nghị bổ sung thêm những ngành nghề này vào Danh mục thuộc Phụ lục IV. Nếu không cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn thì kiến nghị bãi bỏ ngành nghề này tại Phụ lục IV.
“Trường hợp bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào Danh mục của Luật Đầu tư phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, dựa trên luận chứng khoa học và thực tiễn. Thực hiện nghiêm túc quy trình lấy ý kiến; đảm bảo lấy ý kiến rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động; thực hiện đối thoại công khai để tạo sự đồng thuận” – TS Nguyễn Minh Thảo đề xuất.
Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện có tên gọi chung, phạm vi bao trùm rộng, các bộ, ngành đề xuất sửa đổi Danh mục thuộc Phụ lục IV của Luật Đầu tư theo hướng thu hẹp phạm vi ngành nghề; đồng thời quy định tên ngành nghề đảm bảo chi tiết, cụ thể, minh bạch, dễ hiểu, dễ xác định.
Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn; hoặc mục tiêu quản lý không rõ ràng; hay có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn thì yêu cầu các bộ, ngành đề xuất sửa đổi Danh mục thuộc Phụ lục IV của Luật Đầu tư theo hướng bãi bỏ những ngành nghề này tại Danh mục. Trong trường hợp cần thiết, có thể đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải có báo cáo đánh giá tác động toàn diện.
Đối với điều kiện kinh doanh, theo TS Nguyễn Minh Thảo, đối với các điều kiện kinh doanh nếu nhận diện là: Không hợp pháp (quy định tại các văn bản dưới Nghị định); Không cần thiết, không khả thi, không dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng; hoặc có thể thay bằng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn thì kiến nghị bãi bỏ.
Đối với các điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn hoặc can thiệp sâu vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp thì kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đơn giản hoá, giảm chi phí tuân thủ và đảm bảo không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.
Với các điều kiện kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, thiếu tính minh định thì kiến nghị sửa đổi để đảm bảo điều kiện kinh doanh phải cụ thể, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và khả thi. Trong trường hợp không xác định được các điều kiện, tiêu chí cụ thể, minh bạch thì kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh này.
Một số yêu cầu không cần thiết quy định thành điều kiện kinh doanh thì kiến nghị bãi bỏ hoặc đưa vào Tài liệu hướng dẫn hay tiêu chuẩn kỹ thuật để doanh nghiệp tự nguyện tham gia.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, TS Nguyễn Minh Thảo cũng kiến nghị các bộ, ngành rà soát, bãi bỏ các chứng chỉ không cần thiết; thu gọn các loại chứng chỉ có trùng lắp về nội dung để tránh lãng phí chi phí của xã hội. Thực hiện phân cấp việc đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động này.