Vì sao có ngày thất tịch, ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau?
Ngày thất tịch bắt nguồn từ sự kiện truyền thống có nguồn gốc Trung Hoa, được cho là xuất hiện từ thời Hán, khoảng từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Ngày thất tịch gắn với câu chuyện tình đẫm nước mắt của Ngưu Lang - Chức Nữ nên còn được gọi là ngày Valentine phương Đông.
Ngưu lang là một người phàm trần chăn trâu, còn Chức nữ là nàng tiên dệt vải, con gái của Vương mẫu trên trời. Họ yêu và lấy nhau, nhưng do kẻ tiên người tục nên phải chia tay. Thấy hai người vẫn luôn thương nhớ, cuối cùng Vương mẫu cũng cảm động, cho phép họ gặp nhau mỗi năm một lần vào đúng ngày 7 tháng 7 âm lịch, được gọi là ngày thất tịch.
Mỗi năm vào ngày thất tịch, đàn chim ác sẽ bắc cầu qua sông Ngân để họ gặp nhau. Nước mắt vui mừng nhớ thương lẫn đau khổ vì sắp phải xa nhau một năm đằng đẵng của vợ chồng Ngưu Lang rơi xuống, tạo thành những cơn mưa ở trần thế. Người ta gọi đó là mưa ngâu - cách đọc chệch của từ "ngưu".
Ngày lễ dân gian này có ý nghĩa gắn với chuyện tình yêu, vậy nên trong ngày này, mọi người thường được khuyên nên làm nhiều việc thiện để tích phúc cho cuộc sống của mình và gia đình.
Đối với người Việt, trong ngày lễ thất tịch, các cặp đôi thường đến chùa lễ Phật, như vậy chuyện tình yêu sẽ được hạnh phúc viên mãn. Ngoài ra, ngày này đến chùa còn là dịp để cầu sức khỏe, tài lộc và bình an cho bản thân và gia đình. Cũng trong ngày thất tịch, giới trẻ thường truyền miệng nhau rằng ăn chè đậu đỏ để hy vọng tình yêu đôi lứa thêm bền vững.
Tuy nhiên, dân gian cũng có một số kiêng cữ trong ngày thất tịch. Đó là kiêng tổ chức đám cưới hỏi vì thời tiết mưa dầm, hay gió bão không tiện cho việc tổ chức hỷ sự. Thay vào đó người ta thường đi chùa cầu duyên để cầu mong những điều tốt đẹp, sự bình an và gặp thuận lợi trong con đường tình duyên.
Mặt khác, thất tịch là ngày duy nhất trong năm mà Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau, sự trùng phùng này chỉ giới hạn mà không kéo dài, vậy nên người ta sợ khởi công xây dựng nhà cửa có thể ảnh hưởng tới chất lượng của công trình.
Dân gian còn tương truyền, ngày 7/7 âm lịch là ngày cực âm, tháng cực âm, theo đó, việc chia tay vào ngày thất tịch thì lương lai không hạnh phúc, không được Ngưu Lang Chức Nữ chúc phúc, đường tình duyên càng thêm lận đận. Ngoài ra, công việc của Chức Nữ là dệt vải. Vì thế, vào ngày thất tịch nếu như quần áo có vết rách nghĩa là chuyện tình cảm xuất hiện điều thiếu sót, có thể xảy ra rạn nứt, khó hàn gắn.
Theo truyền thuyết, công việc của Ngưu Lang là chăn trâu. Vì vậy, vào ngày 7/7 âm lịch, dân gian cũng thường kiêng kỵ ăn thịt trâu, bò để tránh làm phật lòng Ngưu Lang khiến các cặp đôi xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Mặt khác, theo quan niệm dân gian, mỗi em bé đều có các Sàng Mụ (hay gọi là bà Mụ) bảo vệ. Do vậy, nếu la mắng trẻ chính là chọc giận họ, làm giảm phước lành của bé trong ngày thất tịch.