Thứ tư 13/11/2024 18:27

VEPG cần phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Chiều 10/3/2021, Ban chỉ đạo Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) đã tổ chức cuộc họp lần thứ 6 nhằm tổng kết tình hình hoạt động năm 2020 và đưa ra một số định hướng mới cho năm 2021.

VEPG được thành lập tháng 6/2017 bởi Chính phủ Việt Nam cùng các Đối tác phát triển quốc tế nhằm tăng cường hợp tác, đối thoại và trao đổi kinh nghiệm cũng như kiến thức cho ngành năng lượng Việt Nam. Mục tiêu chung của VEPG là sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti tại cuộc họp nhóm Đối tác Năng lượng (VEPG) lần thứ 6

Thông qua các nhóm Công tác Kỹ thuật được chủ trì bởi các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và đồng chủ trì bởi một Đối tác phát triển, VEPG tập trung vào 5 chủ đề trọng tâm là Năng lượng tái tạo; Hiệu quả năng lượng; Tái cấu trúc ngành năng lượng; Tiếp cận năng lượng và Dữ liệu thống kê năng lượng. Các nhóm này cung cấp thông tin đầu vào và khuyến nghị cho phát triển chính sách cũng như quá trình quy hoạch ngành năng lượng Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, năm 2020 Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững. Quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng đang được Chính phủ đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, VEPG đã đóng vai trò là cầu nối giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển quốc tế, cũng như giữa các nhà thiết lập chính sách Việt Nam với đối tượng thụ hưởng chính sách”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định.

Năm 2020, dù đứng trước những khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra, VEPG đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch hoạt động một cách linh hoạt để duy trì ổn định, hiệu quả công việc.

Điểm lại kết quả thời gian qua, VEPG đã góp phần hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong xây dựng các chính sách và quy hoạch ngành năng lượng như đóng góp ý kiến dự thảo thông tư về điện mặt trời và điện sinh khối; hỗ trợ xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2020 (VNEEP 3); hỗ trợ triển khai thị trường bán buôn điện Việt Nam và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, chuẩn bị cho chương trình thí điểm Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA); hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn theo Quyết định số 1740/QĐ-Ttg; hỗ trợ xây dựng giá điện cho khí sinh học và sinh khối; hỗ trợ xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hỗ trợ và đóng góp cho Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 (AMEM).

Theo khảo sát 33 đơn vị liên quan, khoảng 85% các bên bày tỏ sự hài lòng với VEPG, trong khi 55% chia sẻ rằng VEPG đã hỗ trợ cực kỳ tốt và rất tốt trong công việc của cơ quan, tổ chức. 97% các bên liên quan cho hay sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động của VEPG.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhìn nhận, dự báo, những năm tới, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh ở mức cao, cần đầu tư cho ngành điện khoảng 12,8 tỷ USD/năm (theo số liệu tại Dự thảo Quy hoạch Điện VIII). Trong khi đó, nguyên tắc nhất quán của Việt Nam đối với quy hoạch ngành năng lượng vẫn là tăng các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện, các nhà máy năng lượng cũ chuyển đổi theo hướng xanh và sạch hơn, giảm thiểu tác động tới môi trường; nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ban chỉ đạo VEPG đánh giá, dù Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực về chuyển dịch năng lượng trong thời gian qua, nhưng trong giai đoạn tiếp theo với sự hỗ trợ, phối hợp từ các đối tác phát triển quốc tế, cụ thể VEPG sẽ tập trung phát huy hơn nữa vai trò cầu nối hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng chỉ ra, các khuyến nghị về chính sách năng lượng cần tiếp tục bám sát định hướng của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, đảm bảo tính thực tiễn có thể đưa vào đời sống và không xa rời khuôn khổ pháp luật hiện hành. Công tác truyền thông về những đóng góp của VEPG đối với ngành năng lượng Việt Nam cũng cần được đẩy mạnh. “Chúng tôi mong rằng, thời gian tới, các cơ chế hợp tác đa phương như VEPG sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương trong quá trình thiết lập các chính sách và định hướng phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương kỳ vọng.

Dự kiến, Hội nghị cấp cao VEPG sẽ diễn ra vào tháng 8/2021, tập trung thảo luận và tìm hướng giải quyết cho những vấn đề liên quan đến quá trình quy hoạch và chính sách năng lượng tại Việt Nam thông qua đóng góp của các đối tác phát triển quốc tế. Đồng thời, Hội nghị cũng sẽ đưa ra các kế hoạch quan trọng về hoạt động của VEPG sau khi giai đoạn tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 11/2021.

Lan Anh- Vũ Cương

Tin cùng chuyên mục

Tháng 10/2024, EVNGENCO1 đã đạt sản lượng điện gần 2,9 tỷ kWh

Sau hơn ba thập kỷ, Thủy điện Hòa Bình cán mốc sản xuất 280 tỷ kWh điện

Ngành điện TP. Hồ Chí Minh: Cung cấp điện ổn định cho sản xuất, kinh doanh trong tháng 10

Gấp rút sửa đổi Luật Điện lực tạo đà cho phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Giải bài toán lãng phí từ dự án lưới điện - Bài 1: Hàng loạt dự án cấp bách chậm tiến độ

Tòa nhà Bảo tàng Hà Nội: Tiết kiệm năng lượng nhờ thiết kế xanh

Thừa Thiên Huế: Đâu là nguyên nhân khiến sản xuất điện giảm trong 10 tháng đầu năm?

Chính sách năng lượng Mỹ: Chuyển đổi lớn dưới thời ông Donald Trump?

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tháng 10 tăng 7%

PC Đắk Lắk: Tăng cường tuyên truyền an toàn điện trong thời điểm giá nông sản tăng cao

Cách tính hóa đơn tiền điện trong tháng điều chỉnh giá như thế nào tại 21 tỉnh thành phía Nam?

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Vượt kế hoạch tiến độ tháng 10/2024

Hải Dương: Chấp thuận dự án truyền tải điện tổng mức đầu tư hơn 783 tỷ đồng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu những nhiệm vụ trọng tâm để gỡ vướng cho các dự án lưới điện

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp trực tuyến về các dự án lưới điện

Sửa đổi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư: Động lực mới cho ngành điện Việt Nam

EVNCPC chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung

Tổng giám đốc EVNCPC kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 6 tại PC Quảng Bình

EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần

Phổ biến Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ