Vận chuyển ma túy qua sân bay quốc tế Nội Bài: “Nhận diện” những chiêu bài tinh vi
Phương thức, thủ đoạn buôn lậu, nhất là ma túy qua sân bay quốc tế Nội Bài ngày càng tinh vi, phức tạp, núp bóng dưới nhiều hình thức.
Đó là kết luận của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội trong buổi kiểm tra và làm việc với Chi cục Hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài ngày 26/9 mới đây.
“Chặn đứng” buôn lậu, nhất là vận chuyển ma túy qua đường hàng không
Trong 8 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 827 vụ vi phạm về vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Trong đó, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 820 vụ việc vi phạm (trong đó, phát hiện, bắt giữ 26 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép; 37 vụ bắt giữ ma túy). Số tiền phạt vi phạm thu nộp ngân sách nhà nước: 26,2 tỷ đồng; Cơ quan hải quan đã khởi tố 05 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 11 vụ.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội kiểm tra kho hàng hóa tại nhà ga hàng hóa ALS - sân bay quốc tế Nội Bài ngày 26/9 vừa qua |
Đối với công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý: Cục Hải quan TP. Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ: 37vụ/26 đối tượng. Tang vật thu được 749.079,808 gam ma túy các loại bao gồm: 480.306,72 gam ma túy tổng hợp MDMA; 158.378,768 gam ketamine; 95.757,58 gam cần sa; 11.484,56 gam Cocain; 3.152,18 gam Methanphetamin.
Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 07 vụ, 10 đối tượng buôn lậu, trong đó xử lý hình sự 05 vụ, 08 bị can (buôn lậu 01 vụ - 04 bị can; vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 03 vụ - 03 bị can; vi phạm quy định về động vật nguy cấp, quý hiếm: 01 vụ - 01 bị can).
Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội bắt giữ 02 vụ việc liên quan đến mặt hàng điện thoại (947 điện thoại di động, 279 Iphone 8 Plus) và 87 máy tính bảng đều là hàng đã qua sử dụng, không có phụ kiện vỏ hộp kèm theo.
Ma túy được cất giấu trong cả máy pha cà phê, nồi cơm điện....
Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội nhận định, sân bay Nội Bài là một trong những địa bàn trọng điểm trong công tác buôn lậu. Hàng hoá vi phạm thường có giá trị kinh tế cao như vàng, ngoại tệ, sản phẩm động vật hoang dã, mỹ phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, sữa, rượu, thuốc lá, xì gà, quần áo, túi xách, đồng hồ, điện thoại...
Đặc biệt, hàng hoá vi phạm như ma tuý thường được cất giấu tinh vi trong các loại hàng hoá như thực phẩm, đồ may mặc, dầu gội đầu, kem đánh răng; cất giấu trong các máy móc thiết bị, đồ gia dụng khó bị phát hiện thông qua soi chiếu (máy pha cà phê, nồi cơm điện, máy hút bụi, máy lọc không khí...). Trọng tâm tuyến đường từ châu Âu về Hà Nội, Việt Nam, đặc biệt là từ Đức, Hà Lan, Séc... Hàng hoá xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Úc, New Zealand… Đối với hành khách nhập cảnh tập trung vào các đối tượng đi từ các nước là điểm nóng về ma tuý hoặc có lịch bay vòng qua nhiều nước; Có sự dịch chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Nội Bài, sau đó vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam với các loại ma túy tổng hợp, thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa,...
Chó nghiệp vụ kiểm tra hàng hóa tại băng chuyền hàng hóa - nhà ga T2 - sân bay quốc tế Nội Bài |
Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cũng cho biết, có hàng trăm phương thức thủ đoạn mà các đối tượng đã làm nhằm “qua mắt” cơ quan điều tra như: Các đối tượng thường che giấu thông tin người gửi hàng và người nhận hàng: Đối với hàng xuất khẩu, thông tin khai báo về tên người gửi thì thường không rõ ràng hoặc đứng tên các Công ty vận chuyển tại Việt Nam (như Interlink VN, Max Express...); Đối với hàng nhập khẩu thì tên người nhận thường có địa chỉ nhận không rõ ràng hoặc tại các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội.
Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội kiểm tra hệ thống soi chiếu, băng chuyền hành lý tại nhà ga T2 - sân bay quốc tế Nội Bài |
Để đưa hàng lậu, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... trót lọt vào nội địa tiêu thụ, các đối tượng thường dùng phương thức thủ đoạn khai sai tên hàng, số lượng hàng hóa, mã số, thuế suất hoặc sử dụng các công ty có nhập khẩu nguyên phụ liệu để gia công thuê cho nước ngoài sau đó đưa hàng hóa về Việt Nam để tiêu thụ. Khi bị phát hiện các đối tượng sẵn sàng không làm thủ tục nhận hàng, chủ hàng thường không trực tiếp vận chuyển mà thuê người vận chuyển, làm thủ tục nên khi bắt giữ khó xác định chủ hàng.
Không những thế, với các tuyến bay ngắn như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản... xuất hiện nhóm đối tượng chuyên đi xách hàng thuê qua hình thức mua thêm kiện bay (tối đa 12 - 13 kiện hành lý ký gửi/khách) sau đó chuyển về Việt Nam rồi giao lại cho các đầu mối gom hàng theo thỏa thuận từ trước. Tiền công mỗi chuyến cho 01 người chuyển hàng khoảng 5.000.000đ/chuyến nếu trót lọt.
Ngoài ra, các đối tượng cũng thành lập nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, thuê người đứng tên làm Giám đốc, sau đó móc nối với một số đối tượng tại khu vực cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và một số đối tượng ở nước ngoài thông qua cộng đồng người Việt tại Úc, Đức, Pháp, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản để đặt mua gom các mặt hàng: Thực phẩm chức năng, đồ gia dụng các loại, mỹ phẩm, quần áo... chuyển về Việt Nam.
Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh móc nối với một số đầu nậu tại các tỉnh biên giới để chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam qua hình thức khai báo là hàng hóa trị giá thấp (dưới 1.000.000đ được miễn thuế). Các đối tượng sẽ chia nhỏ hàng hóa thành từng kiện tương ứng tên người nhận rồi vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu tại các tỉnh phía Bắc rồi đăng ký mở tờ khai tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh - Cục Hải quan thành phố Hà Nội.
Các đối tượng mở Công ty xuất nhập khẩu sau đó mua gom, móc nối với các cá nhân, tổ chức tại nước ngoài rồi làm các thủ tục tự công bố chất lượng sản phẩm với mặt hàng sữa bột rồi khai báo đơn giá hàng hóa trên tờ khai thấp hơn rất nhiều so với thực tế nhằm trốn phải nộp thuế nhập khẩu cho lô hàng...
Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội nhận định: Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua đường hàng không, chuyển phát nhanh ngày càng tinh vi, phức tạp và liên tục thay đổi phương thức như phần lớn ma túy được cất giấu trong máy móc, thiết bị nhằm trốn tránh sự soi chiếu của cơ quan hải quan: Bỏ ma túy vào ngăn giả các túi xách, bao bì, trong các lọ thuốc, thực phẩm chức năng, các hộp bánh kẹo, mỹ phẩm, trong vật dụng gia đình... nhằm đối phó với sự kiểm tra của máy soi và chó nghiệp vụ Hải quan.
Các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua các nền tảng điện tử xuyên biên giới, rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh. Để hợp thức hóa hàng lậu, các đối tượng không khai báo, hoặc khai báo hải quan không đúng với thực tế lô hàng hoặc nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn…
Trong thời gian tới, để siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy qua đường hàng không, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cũng đề nghị các lực lượng chức năng Thành phố và Trung ương thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin về các thủ đoạn, chất ma túy mới để nâng cao kỹ năng phát hiện và đấu tranh phòng, chống ma túy; nhận bàn giao tang chứng, vật chứng đối với các lô hàng có chứa ma túy đang tạm giữ theo quy định...