Ngày 19/2, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Báo cáo đã nêu được những đóng góp hết sức quan trọng của Chủ tịch nước theo Hiến pháp và pháp luật quy định. Tuy nhiên, Báo cáo cần phải làm nổi bật hơn nữa vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu và thay mặt Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong công tác đối nội và đối ngoại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trong một phiên điều hành |
Trong dự thảo báo cáo nêu rõ, trong nhiệm kỳ 2011- 2016, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội..., thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết trong nhiệm kỳ 2011-2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bổ nhiệm, miễn nhiệm nhiều nhân sự cấp cao của nhà nước; ký quyết định bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và thăng quân hàm cấp tướng cho 194 sĩ quan Quân đội nhân dân, thăng hàm cho 119 sĩ quan Công an nhân dân; quyết định cho nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam đối với 3.157 người; cho thôi quốc tịch Việt Nam đối với 32.638 người; ban hành các quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 43.999 phạm nhân... Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước cũng đã thăm cấp nhà nước tới 22 quốc gia trên thế giới; đón tiếp, hội đàm với 42 đoàn nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn.
Theo kế hoạch, phiên họp 45 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ kéo dài đến ngày 24/2/2016.