Thứ ba 29/04/2025 06:45

Tỷ suất sinh giảm, mất cân bằng giới tính kéo dài

Theo Cục Thống kê, tỷ suất sinh giảm và thấp hơn mức sinh. Trong khi, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm.

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) đã công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024.

Tỷ lệ khai sinh muộn vẫn cao

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu cùng thảo luận về nội dung báo cáo, lắng nghe thực tiễn từ địa phương, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và cùng kiến tạo các giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời, sẽ là bước tiến quan trọng để tiếp tục hoàn thiện hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch - một hệ thống không chỉ phục vụ quản lý, mà trước hết là phục vụ người dân.

Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024. Ảnh: NH

Phát biểu khai mạc sự kiện, Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện, minh bạch và lấy con người làm trung tâm, khi chính thức công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024.

Báo cáo được xây dựng trên cơ sở nguồn dữ liệu đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn để phân tích thực trạng đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn cũng như các chỉ tiêu thống kê quan trọng liên quan đến mức sinh, mức chết và tình trạng hôn nhân.

Ngoài ra, báo cáo này đã thể hiện một cách khách quan thực trạng hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch trong giai đoạn vừa qua, chỉ ra những tiến bộ rõ rệt; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, thách thức.

Cùng với đó, báo cáo được xây dựng trên nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo mọi cá nhân - kể cả những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất - đều được ghi nhận các sự kiện hộ tịch một cách bình đẳng, đầy đủ và kịp thời.

Đây sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và người dùng tin trong các hoạt động sử dụng, quản lý và khai thác dữ liệu hộ tịch”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Mất cân bằng giới tính tại các tỉnh phía Bắc

Công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024, bà Nguyễn Thanh Mai - Phó Trưởng ban Thống kê dân số và Lao động, Cục Thống kê - cho hay, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong đăng ký khai sinh; trong đó, tỷ lệ khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày tính từ lúc sinh ra) tăng đều qua từng năm và đạt 84,9% vào năm 2024.

Tuy nhiên, tình trạng đăng ký khai sinh muộn vẫn còn phổ biến ở một số nhóm dân tộc thiểu số, lên tới 56%. Tương tự như khai sinh, số trường hợp đăng ký khai tử đúng hạn (trong vòng 15 ngày sau khi mất) chiếm tỷ trọng cao đạt 69,3% vào năm 2024, tuy nhiên tình trạng khai tử muộn vẫn phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số, có dân tộc lên tới gần 80%.

Báo cáo cũng đưa ra các phát hiện quan trọng về xu hướng sinh, tử và kết hôn. Tổng tỷ suất sinh đang giảm và thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ.

Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm vượt xa mức cân bằng là 104-106 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các tỉnh khu vực phía Bắc mà điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Giang…

Theo Cục Thống kê, lần đầu tiên chúng ta có thể sử dụng dữ liệu hộ tịch hoàn chỉnh và cập nhật để thực hiện phân tích thống kê sinh, tử và kết hôn trên phạm vi cả nước. Đây là một dấu mốc rất quan trọng. Kết quả cũng cho thấy vẫn còn sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc và vùng miền trong công tác đăng ký hộ tịch.

Tuy vậy, các kết quả phân tích cũng đồng thời khẳng định rằng, đầu tư của Chính phủ vào chuyển đổi số trong hệ thống đăng ký hộ tịch đang mang lại hiệu quả. Trong thời gian tới, sẽ nâng cao tính kịp thời và độ chính xác của dữ liệu sẽ là yếu tố then chốt để mọi người đều được phản ánh trong hệ thống dữ liệu, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Nhâm Ngọc Hiển - Phó Cục trưởng, Cục Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) - cho biết, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc không chỉ đơn thuần là kho lưu trữ thông tin số hóa mà còn là thành phần hạ tầng cốt lõi, đóng vai trò nền tảng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số tại Việt Nam.

“Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc còn được xem là một trong những cơ sở dữ liệu gốc, cung cấp thông tin đầu vào quan trọng, chính xác và kịp thời về các sự kiện hộ tịch cơ bản của công dân, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và quyền cơ bản của công dân”, ông Nhâm Ngọc Hiển nhấn mạnh.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Tài chính

Tin cùng chuyên mục

Hải quân Việt Nam - Campuchia rút kinh nghiệm tuần tra chung

Hơn 1,1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2025

Bộ Nội vụ nêu định hướng về cải cách tiền lương

Tiêu chuẩn chức vụ nhân sự lãnh đạo cấp xã ra sao sau khi sáp nhập tỉnh?

Bộ Công an phát động thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

TP. Hồ Chí Minh tăng cường xe cấp cứu cho đại lễ 30/4

Thời khắc lịch sử đi đến 'Con đường thống nhất'

Đoàn thanh niên đồng hành cùng xây dựng nông thôn mới

Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ: Thắp sáng ngọn lửa tri ân

Đoàn Thanh niên Chính phủ làm chủ AI, tiên phong trong chuyển đổi số

Tại sao các thành phố trực thuộc tỉnh kết thúc hoạt động?

Con đường tiền tệ huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ

Du khách háo hức check-in Dinh Độc Lập, Bến Bạch Đằng dịp lễ 30/4

Nén tâm nhang gửi Đại tá, Anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thảo

Hàng vạn du khách đổ về Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 4 lịch sử

Ký ức ngày giải phóng của cựu tù binh Côn Đảo

Sau sắp xếp, dự kiến cả nước còn bao nhiêu xã, phường?

Tân Sơn Nhất dự kiến đón hàng nghìn chuyến bay dịp lễ 30/4-1/5

Hồi ức ngày giải phóng của nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn

Nâng cấp di tích lịch sử Bến phà II Long Đại