Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những biến chủng mới có thể xuất hiện
Sáng ngày 9/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo được kết nối trực tuyến tới các địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp |
Cùng dự Hội nghị tại trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; các thành viên Ban chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiên họp sẽ tập trung đánh giá tình hình, công tác chống dịch trong tháng 3, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Phiên họp sẽ tập trung đánh giá tình hình, công tác chống dịch trong tháng 3, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong tháng 3, tình hình dịch bệnh trong nước có những tín hiệu rất tích cực khi số ca nhiễm trong cộng đồng, số ca chuyển nặng, nhập viện và tử vong đều giảm. Điều này tạo điều kiện để tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, an toàn, an dân, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nối lại các hoạt động đối ngoại trực tiếp, mở cửa lại hoạt động du lịch, đón phần lớn học sinh trở lại trường…
Thủ tướng nêu rõ: Với chiến lược vaccine được triển khai thành công, việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128, nếu dịch bệnh không có những diễn biến mới, không xuất hiện những biến chủng mới thì chúng ta có thể tạm yên tâm với những kết quả đã đạt được, những việc đã làm, có thể đủ sức đối phó những chủng virus cũ.
Tuy nhiên, nếu có biến chủng mới xuất hiện mà các loại vaccine hiện nay chưa có hiệu lực bảo vệ thì chúng ta sẽ gặp khó khăn, bị động, bất ngờ. Thực tế, tình hình thế giới vừa qua có nhiều diễn biến mới, khó lường như các diễn biến tại Ukraine, tình hình giá nguyên vật liệu, lạm phát ở nhiều nước… tác động tới Việt Nam.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu hơn lúc nào hết, chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa củng cố, thúc đẩy những việc đã làm được, vừa phải tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp để nếu có tình huống xảy ra thì không quá bị động, bất ngờ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại phiên họp |
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại phiên họp, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.
Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày, từ 150.000 ca mắc mới mỗi ngày xuống còn trên dưới 50.000 ca mỗi ngày (tương đương với tuần thứ 3 của tháng 2 vừa qua là thời điểm trước khi số mắc bắt đầu gia tăng cao nhất), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine (tháng 3 ghi nhận trên 1,2 triệu ca, tăng khoảng 950.000 ca so với tháng 2); số ca nặng từ hơn 3.600 ca xuống còn hơn 1.500 ca đang điều trị tại bệnh viện; số tử vong từ hơn 50 ca mỗi ngày xuống còn hơn 30 ca mỗi ngày.
So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 26,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 31,7%. So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này.
Hệ thống y tế đã trụ vững trong đợt cao điểm của dịch với khả năng đáp ứng tối đa 200.000 giường điều trị (thời điểm số ca nhập viện điều trị cao nhất khoảng 150.000 trường hợp ngày 15/3 và hiện còn khoảng 65.000 trường hợp đang điều trị).
Đến ngày 6/4/2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 230 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Với số vaccine này, Việt Nam có thể tiêm chủng cho người từ 12 tuổi trở lên đủ mũi 1, mũi 2 và mở rộng đối tượng để tiêm cho trẻ em và tiêm liều bổ sung và mũi 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Cả nước đã triển khai tiêm được hơn 207 triệu liều. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 190 triệu liều, tỷ lệ bao phủ mũi 1, 2 cho nhóm tuổi này lần lượt là 100%, 99,8%. Số liều tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi là hơn 17 triệu liều; tỷ lệ bao phủ mũi 1, 2 cho nhóm tuổi này lần lượt là 99,8% và 95,1%.
Đến hết Quý I/2022 ước 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 (40,4 triệu người). Đến hết 31/3/2022, đã có 33,4 triệu người được tiêm mũi 3, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 49% (đạt khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm).
Với các nguồn vaccine viện trợ và mua, việc tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong Quý II/2022. Theo Bộ Y tế, đến nay, đã có hơn 53 quốc gia đã có kế hoạch/triển khai tiêm vacine cho trẻ dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng cho trẻ em ở các quốc gia được triển khai khác nhau, nhiều quốc gia trong đó có các nước thuộc liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ triển khai tiêm chủng cho toàn bộ đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.