Tuyển sinh năm 2022: Lọc ảo chung giúp lựa chọn nguyện vọng cao nhất trúng tuyển?
Điểm mới quan trọng trong kỳ tuyển sinh năm 2022 là Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển thay vì chỉ lọc ảo một phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT như năm trước.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện lọc ảo chung sẽ hạn chế tình trạng thí sinh cùng lúc có thể trúng tuyển vào các trường ở các phương thức xét tuyển khác nhau, gây xáo trộn hệ thống và ảnh hưởng đến cơ hội của những thí sinh khác.
Thực tế cho thấy, tác động của dịch Covid-19 khiến kết quả học của nhiều học sinh bị ảnh hưởng không nhỏ. Để có được nhiều cơ hội hơn, nhiều học sinh đã đăng ký xét tuyển học bạ vào một số trường đại học. Thế nhưng, thay vì biết kết quả có trúng tuyển hay không ngay sau mỗi đợt xét tuyển như năm ngoái, thì có thể em vẫn phải chờ đến khi thực hiện lọc ảo xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả các phương thức tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dự thảo quy chế mới năm nay.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lọc ảo chung sẽ giúp thí sinh có khả năng trúng tuyển một nguyện vọng tốt nhất, đồng thời hạn chế tối đa số lượng thí sinh ảo |
Những thay đổi này đang khiến nhiều trường và thí sinh băn khoăn: Các trường đại học đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, tuyển sinh nhiều đợt, nên việc chờ đợi để cùng lọc ảo chung cho tất cả các phương thức khiến cả thí sinh và các trường đều gặp khó, ảnh hưởng quyền tự chủ của nhà trường và quyền lợi của các thí sinh?
Lý giải về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Từ số liệu trong vài năm gần đây cho thấy, có hiện tượng tỷ lệ thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo nhưng nhập học ngày càng giảm, một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển) yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay, làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn hoặc phải nộp tiền để giữ chỗ gây bức xúc cho thí sinh và xã hội”.
Mặt khác, theo bà Thuỷ, nếu thí sinh xét tuyển bằng kết quả học tập vào nhiều cơ sở đào tạo phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, các trường THPT phải mất thời gian sao in chứng thực kết quả học tập cho thí sinh gây tốn kém cho thí sinh và xã hội; các cơ sở đào tạo mất thêm thời gian cập nhật kết quả học tập của thí sinh để xét tuyển, một số cơ sở đào tạo sử dụng kết quả học tập để sơ tuyển không có dữ liệu chính xác dẫn đến còn tồn tại khá nhiều sai sót trong xét tuyển.
"Do thí sinh xét tuyển và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường nên tỷ lệ thí sinh ảo rất cao; hệ quả là thí sinh “giữ chỗ” làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác; các trường không xác định được tỷ lệ thí sinh nhập học dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu, chất lượng tuyển sinh không hoàn toàn đảm bảo do không xét tuyển cùng một thời điểm (trường không có điều kiện để lựa chọn các thí sinh có chất lượng tốt hơn)" - bà Thuỷ chỉ ra.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, một số cơ sở đào tạo xét thí sinh trúng tuyển nhưng không đưa lên hệ thống để loại các thí sinh này ra khỏi danh sách dự tuyển, làm ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo chung của toàn hệ thống.
Từ những lý do đó, để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, dự thảo Quy chế tuyển sinh đã có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, đó là thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển trong xét tuyển đợt 1.
"Việc này không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo, các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) cho thí sinh; các trường tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển, quyết định điểm trúng tuyển và đưa lên hệ thống để lọc ảo. Thí sinh vẫn có thể xét tuyển và biết được khả năng mình trúng tuyển vào nhiều trường (không làm giảm cơ hội trúng tuyển của thí sinh)" - bà Thuỷ khẳng định.
Theo vị này, thực chất, hệ thống của Bộ không xét tuyển mà chỉ hỗ trợ sắp xếp nguyện vọng của các thí sinh dựa trên các ưu tiên của các em, để lựa chọn ra nguyện vọng cao nhất mà các em có thể trúng tuyển. Theo đó, thí sinh sẽ trúng tuyển một nguyện vọng tốt nhất trong khả năng của mình, đồng thời hạn chế tối đa số lượng thí sinh ảo.
"Giải pháp xây dựng một hệ thống xử lý nguyện vọng và xác nhận nhập học trực tuyến chung, lọc ảo chung như nói trên đây chính là giải pháp kỹ thuật hiệu quả nhất hướng tới sự đảm bảo: công bằng với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội"- bà Thuỷ cho hay.
Từ những lợi ích nói trên, chủ trương xây dựng và áp dụng một phần mềm đăng ký nguyện vọng xét tuyển để có thể lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được sự đồng thuận của đại đa số trường đại học thông qua các hội nghị tuyển sinh, các cuộc họp giao ban. Giải pháp này được đánh giá là tốt nhất để có thể khắc phục, giảm thiểu được tình trạng thí sinh ảo.
Đồng tình với dự thảo, PGS, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Phương thức lọc ảo chung không chỉ tác động nhiều đến thí sinh, mà còn giúp các em có sự cân nhắc, lựa chọn nguyện vọng trúng tuyển một cách kỹ càng và tốt hơn. Tuy vậy, trong bối cảnh và đặc thù tuyển sinh của các trường sau dịch Covid-19 thì giải pháp trên sẽ khó hiệu quả và gây khó cho các trường.
Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cái khó là tại thời điểm này, nhiều trường đã công bố phương thức và thí sinh cũng đã đăng ký nguyện vọng khá nhiều, trong khi quy chế chính thức chưa ban hành nên những việc đã diễn ra lại khó khắc phục.
“Tôi cho rằng, nếu dự kiến điều chỉnh có ý nghĩa này được ban hành sớm hơn sẽ tốt cho các bên liên quan. Tôi không đồng tình với một số quan điểm cho rằng, Bộ “ôm” công việc của các trường trong bối cảnh tự chủ. Điều gì hợp lý sẽ tồn tại. Nên hiểu đây là cơ quan quản lý nhà nước đang hỗ trợ các trường và hai bên đang nhắm đến việc phục vụ tốt nhất cho thí sinh. Cần logic giữa chính sách và cách kỹ thuật để thực hiện”, TS Lý nhận xét.