Thứ bảy 19/04/2025 18:58

Tuyên Quang: Vận động doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn

Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử cũng như trưng bày và bán tại điểm giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch khi đến với Tuyên Quang. Ảnh: TTXTĐT

Tại tỉnh Tuyên Quang, thương mại điện tử cũng dần phổ biến, mở ra nhiều cơ hội cho người dân và các doanh nghiệp địa phương trong việc tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Những năm gần đây, cùng với xu thế phát triển thương mại điện tử chung, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp bước đầu ứng dụng thương mại điện tử để phân phối sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường thông qua việc tham gia các sàn giao dịch điện tử và trang thương mại điện tử.

Từ năm 2015, Tuyên Quang đã thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, đã có hơn 884 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia quảng bá thương hiệu, đăng ký giới thiệu gần 2.500 sản phẩm qua sàn thương mại điện tử tỉnh và hàng trăm sản phẩm của địa phương này được bày bán trên các sàn thương mại điện tử như Voso, Tiki, Postmart, Lazada, Shopee... Trong đó, nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh.

Với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và các sàn thương mại điện tử nhỏ hơn ở trong nước, người tiêu dùng tại Tuyên Quang có thể tiếp cận được hàng nghìn sản phẩm từ mọi nơi chỉ bằng vài cú click chuột. Điều này không chỉ đem lại sự tiện lợi cho người mua, mà còn mở rộng cơ hội bán hàng cho doanh nghiệp địa phương, giúp sản phẩm của họ có thể vươn xa hơn ra thị trường toàn quốc.

Thương mại điện tử cũng giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí mặt bằng và mở rộng thời gian phục vụ khách hàng 24/7, giúp tối ưu hóa lợi nhuận. Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi, giảm giá và chiến dịch quảng bá trên sàn thương mại điện tử cũng là một công cụ mạnh mẽ để thu hút người tiêu dùng, tạo ra sự sôi động trong mua sắm.

Qua khảo sát tại kho hàng vận chuyển của sàn Shopee trên địa bàn TP. Tuyên Quang, vào những ngày sàn thương mại triển khai các chương trình sale, có khoảng 4.000 đơn hàng/ngày, ngày thường khoảng 2.000 đơn. Các đơn lấy trên địa bàn tỉnh ship đi cũng có từ vài trăm đơn đến khoảng 1.000 đơn/ngày. Việc mua sắm qua sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển nên gần 20 nhân viên giao hàng của kho hoạt động liên tục để kịp thời giao đến khách hàng.

Cầu nối giúp sản phẩm tiêu thụ tốt hơn

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Mặc dù thương mại điện tử có tiềm năng lớn nhưng các doanh nghiệp Tuyên Quang cũng phải đối mặt với một số khó khăn. Không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ kiến thức và kỹ năng để xây dựng gian hàng trực tuyến chuyên nghiệp và thu hút. Việc thiết kế hình ảnh, tạo nội dung hấp dẫn, tối ưu SEO để tăng khả năng tiếp cận khách hàng vẫn là thách thức lớn.

Sàn thương mại điện tử của tỉnh Tuyên Quang, nơi các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến gần người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ảnh: S.T

Chị Phạm Thị Hồng - chủ thương hiệu Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa - cho biết: HTX đã và đang nỗ lực xây dựng, phát triển trên các sàn thương mại điện tử, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Sau một thời gian đăng ký, mở gian hàng trên các sàn thương mại lớn, việc bán hàng không chỉ có đưa ảnh sản phẩm lên, giới thiệu thông tin và điền giá bán mà để bán được hàng thì việc thiết kế gian hàng, hình ảnh, cũng như các chương trình phải bắt mắt và thu hút. Hiện nay, đơn vị đang tận dụng sự phát triển thương mại điện tử của các đối tác là đại lý bán sản phẩm của HTX để thúc đẩy phát triển. Trong đó, có đại lý tại Hà Nội và cửa hàng OCOP Việt Trì (Phú Thọ) là 2 đơn vị đã giúp đưa sản phẩm trà của HTX lên sàn thương mại lớn là Shopee, Lazada và bán rất tốt. Nhờ đó, sản phẩm của HTX ngày càng được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Ông Võ Xuân Nam - Phụ trách đào tạo, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử - cho biết, để chuyển đổi số thương mại điện tử thành công, doanh nghiệp không thể thiếu các giải pháp công nghệ mới. Việc áp dụng các giải pháp này sẽ gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và đảm bảo sự bảo mật của mạng lưới. “Một trong những giải pháp công nghệ mới mà doanh nghiệp nên ứng dụng vào thương mại điện tử là công nghệ thực tế ảo (VR). Việc ứng dụng công nghệ này sẽ nâng cao trải nghiệm, phục vụ khách hàng nhanh hơn. Thêm vào đó, doanh nghiệp không cần sáng tạo lại toàn bộ mô hình kinh doanh để thực hiện các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số mà chỉ cần ứng dụng đúng các công cụ VR/AR phù hợp”, ông Võ Xuân Nam chia sẻ.

Theo ông Võ Xuân Nam, sau khi đã chuẩn bị được hết các thứ ở trên, việc cuối cùng mà doanh nghiệp cần làm là bắt tay vào đổi mới kỹ thuật số. Dựa trên nhu cầu kinh doanh cụ thể của mình, doanh nghiệp lựa chọn công nghệ mới phù hợp để chuyển đổi số thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Tuyên Quang - cho biết: Để thương mại điện tử tiến gần hơn tới các đơn vị sản xuất kinh doanh, trung tâm sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn; tổ chức tập huấn về thương mại điện tử, sớm đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động thường ngày của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; 35% dân số của Tuyên Quang tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến... Từ đó, giúp sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, đưa thương hiệu OCOP và các sản phẩm của tỉnh vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Hưng cho biết thêm.

Đức Lâm
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục