Tuyên Quang: Nâng cao hiệu quả mô hình truyền thanh số
Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền trong lĩnh vực an ninh trật tự, từ tháng 4/2024 đến nay, Công an tỉnh Tuyên Quang đã triển khai mô hình "Truyền thanh số an ninh trật tự đến thôn, bản, tổ dân phố". Tận dụng lợi thế của hệ thống truyền thanh cơ sở để giúp người dân tiếp cận được nguồn thông tin chính thống bất cứ đâu, Công an tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức sản xuất các bản tin thời lượng từ 3 đến 5 phút, có nội dung gần gũi, thiết thực, gắn bó mật thiết với đời sống của người dân, đặc biệt là nội dung cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo xuất cảnh trái phép, tội phạm mua bán người để mỗi người dân dễ dàng tiếp cận, tự trang bị kiến thức pháp luật cho mình và người thân, nâng cao đề phòng cảnh giác trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các loại tội phạm.
Công an xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang thường xuyên tuyên truyền các phương thức, hoạt động của các loại tội phạm trên hệ thống loa phát thanh xã. Ảnh: CATQ |
Mô hình "Truyền thanh số an ninh trật tự đến thôn, bản, tổ dân phố" đang được triển khai tại tỉnh Tuyên Quang đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền về an ninh trật tự. Kể từ khi bắt đầu triển, mô hình này đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Theo ông Đinh Xuân Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Hàm Yên, trung tâm duy trì chương trình phát thanh hằng ngày phát lúc 6 giờ 30 đến 7 giờ trên hệ thống FM và 63 cụm phát thanh Internet trên địa bàn huyện. Từ những nội dung về an ninh trật tự “nóng hổi” do phía Công an tỉnh cung cấp giúp các chương trình phát thanh có nội dung đa dạng, hấp dẫn, được nhân dân đón nhận tích cực. Các chương trình phát thanh bố trí hợp lý các tin về cảnh báo thủ đoạn của tội phạm, phổ biến pháp luật, những tấm gương tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở… gần gũi với đời sống nhân dân.
Bên cạnh duy trì chương trình phát thanh hằng ngày, một số địa bàn vùng cao như Lâm Bình, Na Hang, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao các huyện còn tổ chức các buổi truyền thanh an ninh trật tự bằng xe lưu động đến các thôn, bản.
Tại thôn Khau Quang, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, người dân không chỉ chăm chỉ làm đồng mà còn được cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình an ninh trật tự. Điều này không chỉ giúp họ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật mà còn cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của tội phạm.
Hệ thống loa phát thanh được lắp đặt tại tất cả các địa bàn trong tỉnh giúp người dân nghe thông tin mọi lúc, mọi nơi, cả khi đang làm việc, lao động sản xuất. Ảnh: CATQ |
Ông Đặng Văn Hùng, Trưởng thôn Khau Quang, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) phấn khởi cho biết, các chương trình phát thanh an ninh trật tự tại địa phương giúp người dân dễ tiếp cận nhiều thông tin hữu ích, thiết thực, nhanh chóng ngay cả khi đang lao động, sản xuất. Người dân được cảnh báo, nâng cao ý thức phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo mới và được tuyên truyền nắm vững kiến thức và đề cao trách nhiệm chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh phòng, ngừa tội phạm.
Thiếu tá Hoàng Lý Lan, Phó Đội trưởng, thuộc Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh Tuyên Quang, qua hơn 6 tháng triển khai, đơn vị đã xây dựng gần 30 kịch bản bản tin an ninh trật tự bảo đảm nội dung đề xuất lãnh đạo Công an tỉnh phê duyệt chuyển về các huyện, thành phố tổ chức sản xuất, phát thanh đến tận thôn, bản, tổ dân phố. Lợi thế của hệ thống truyền thanh cơ sở là có thể giúp người dân tiếp cận được nguồn thông tin chính thống bất cứ đâu, cả khi đang tham gia giao thông, lao động, sản xuất…
Việc Công an tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo sản xuất các bản tin phát thanh có nội dung gần gũi, thiết thực, đặc biệt là nội dung cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm mua bán người… nhằm giúp mỗi người dân dễ dàng tiếp cận, tự trang bị kiến thức pháp luật, tăng thêm sức “đề kháng” trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các loại tội phạm. Những bản tin an ninh trật tự được truyền tải qua hệ thống truyền thanh cơ sở đã trở thành nguồn thông tin chính thống, hữu ích, ngày càng phát huy hiệu quả phục vụ tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự ngay từ cơ sở.
Có thể nói, truyền thanh cơ sở từ lâu được xem là kênh thông tin quan trọng, có sức mạnh chuyển tải thông tin đến với người dân trên diện phủ sóng rộng rãi nhất, đưa thông tin trực tiếp và nhanh nhất. Những bản tin an ninh trật tự được truyền tải qua hệ thống truyền thanh cơ sở đã trở thành nguồn thông tin chính thống, hữu ích, ngày càng phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh miền núi như Tuyên Quang.
Qua đó đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; huy động sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình an ninh trật tự tới tận thôn, bản, tổ dân phố và đông đảo đồng bào vùng sâu vùng xa; mở rộng đối tượng tiếp cận với nội dung thông tin về hoạt động của lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang; nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân đối với lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Công an Tuyên Quang trong lòng Nhân dân.