Thứ hai 25/11/2024 16:33

Tương lai nào cho Gỗ Trường Thành?

Sau khi phát hiện sai lệch nghiêm trọng về số dư hàng tồn kho của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (Tân Liên Phát) đã công bố tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.200 tỷ đồng thành cổ phiếu. Tuy nhiên, một kịch bản tích cực hơn đang được nhiều người kỳ vọng trước động thái mới của cổ đông lớn này.

Cổ phiếu TTF Mất giá gần 80%

Tính đến ngày 15/8, cổ phiếu TTF đã có 20 phiên giảm sàn liên tiếp. So với phiên giao dịch ngay trước khi Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup sở hữu 100% vốn) công bố thông tin về việc phát hiện sai lệch giá trị hàng tồn kho tại TTF (ngày 18/7), cổ phiếu TTF đã mất giá 78%, từ 43.600 đồng/CP xuống 10.700 đồng/CP.

Cổ đông chịu thiệt hại lớn nhất khi cổ phiếu TTF lao dốc là Tân Liên Phát. Khoảng giữa tháng 5/2016, Tân Liên Phát đã nhận chuyển nhượng từ các cá nhân thông qua giao dịch thỏa thuận trên sàn, nâng tỷ lệ sở hữu TTF từ 0% lên 49%. Giá trị chuyển nhượng hơn 1.833 tỷ đồng. Tính trung bình, Tân Liên Phát đã mua hơn 72,155 triệu cổ phiếu TTF với giá 25.400 đồng/CP. Hiện giá trị khoản đầu tư này của Tân Liên Phát đã “bốc hơi” hơn 1.010 tỷ đồng (55%).

Cổ đông lớn thứ hai là ông Võ Trường Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT TTF, nắm giữ 14,46 triệu cổ phiếu mất 466 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trong cùng thời gian.

Cổ phiếu TTF bắt đầu giảm sâu khi Tân Liên Phát thông báo tạm dừng chuyển đổi khoản cho vay 1.200 tỷ đồng do phát hiện những sai lệch nghiêm trọng về hàng tồn kho của TTF, sau đó TTF công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ trên 1.100 tỷ đồng do điều chỉnh giá vốn hàng bán cho khoản hàng tồn kho bị lệch. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 19/7, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT TTF khi đó đã công bố, nếu Tân Liên Phát quyết định không chuyển đổi khoản vay thành cổ phiếu, Công ty sẽ phải trả lại ngay 1.200 tỷ đồng kèm theo lãi phát sinh cho đối tác này.

Nhìn lại báo cáo tài chính quý II/2016 của TTF (được E&Y Việt Nam kiểm toán), tài sản ngắn hạn của Công ty là 2.530 tỷ đồng; trong đó, hàng tồn kho chiếm 1.777 tỷ đồng, gần 753 tỷ đồng còn lại là tiền mặt, các khoản phải thu, tài sản ngắn hạn khác. Với thực trạng tài sản ngắn hạn như vậy, việc thanh toán tức thời khoản nợ hơn 1.200 tỷ đồng là không dễ dàng với TTF.

Đó là chưa kể, TTF còn khoản vay ngắn hạn ngân hàng lên tới hơn 1.024 tỷ đồng. Nếu các chủ nợ ngắn hạn cùng đòi nợ, bài toán thanh khoản của TTF phức tạp hơn và theo ông Thành, sẽ “ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.

Kỳ vọng Tân Liên Phát sẽ cứu TTF

Các động thái từ phía Tân Liên Phát đang cho thấy cổ đông lớn này sẽ không “buông tay” với TTF. Cụ thể, sau khi thành cổ đông lớn, Tân Liên Phát đã cử người tiếp quản, điều hành TTF. Theo đó, bà Vũ Tuyết Hằng, Phó tổng giám đốc Vingroup đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật TTF; bà Hằng và 2 nhân sự khác đến từ Tân Liên Phát cũng tham gia vào HĐQT TTF.

Cuối tuần trước, HĐQT TTF đã tiến hành họp và ra Nghị quyết về việc thay đổi, bổ sung các cán bộ quản lý Công ty. HĐQT đã bãi nhiệm ông Võ Trường Thành khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 12/8 và nhiều thành viên HĐQT TTF cũng đã chấm dứt tư cách thành viên theo nguyện vọng cá nhân. Dàn lãnh đạo mới của TTF gồm có: bà Vũ Tuyết Hằng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, một số nhân sự khác từ Vingroup như bà Phạm Thị Huyền Nga được bầu vào vị trí Phó chủ tịch HĐQT, bà Dương Trịnh Thụy được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc thường trực TTF. Như vậy, TTF đang có sự tái cơ cấu về nhân sự cấp cao, với vị trí chủ chốt gần như là người của Tân Liên Phát.

Sự hiện diện của Tân Liên Phát trong công tác quản trị, điều hành TTF được nhiều thành viên thị trường nhìn nhận là động thái tích cực, cho thấy cổ đông lớn quyết tâm tái cấu trúc TTF và khi TTF có triển vọng vực dậy, khả năng Tân Liên Phát chuyển đổi khoản nợ hơn 1.200 tỷ đồng có thể xảy ra.

Về hiện trạng TTF, dù đang có khoản lỗ lớn, nhưng vẫn là công ty chế biến và xuất khẩu gỗ có vị thế hàng đầu Việt Nam, sở hữu nhà máy chế biến gỗ rộng lớn, dây chuyền hiện đại. Đặc biệt, Gỗ Trường Thành còn sở hữu 14.000 héc-ta rừng trồng, với những cây gỗ tràm có đường kính 25 - 40 cm, cho giá trị kinh tế cao đã đến tuổi khai thác, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ sản phẩm trong TPP. Với những nền tảng cơ bản này, sự hợp tác giữa Tân Liên Phát và TTF giúp đôi bên cùng có lợi.

Ở vị thế của một doanh nghiệp lớn, kinh doanh đa ngành, Tân Liên Phát có nhiều cách để “tiếp sức” cho TTF. Hiện tại, lãnh đạo Tân Liên Phát chưa muốn chia sẻ thông tin, dự báo về tương lai TTF, nhưng trên thị trường, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, tiếp quản TTF, Tân Liên Phát sẽ đưa nhiều đơn hàng về cho TTF và kiểm soát tốt chi phí, chất lượng sản phẩm tại TTF. Vào thời điểm Tân Liên Phát trở thành cổ đông lớn của TTF, TTF đã ước tính riêng đơn hàng cho các dự án mà Tân Liên Phát làm chủ đầu tư sẽ mang lại 30% doanh thu cho TTF trong năm 2016 và tăng dần theo các năm.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TTF có tín hiệu tích cực trong 2 phiên vừa qua (15 - 16/8) khi thanh khoản tăng lên, trong khi các phiên trước đó hầu như chỉ có người bán, không có người mua.

Theo hợp đồng cho vay trái phiếu chuyển đổi giữa TTF và Tân Liên Phát, tổng giá trị chuyển đổi khoản vay là hơn 1.200 tỷ đồng, bao gồm 603,5 tỷ đồng sẽ được chuyển đổi thành 42,5 triệu cổ phiếu TTF với giá 14.200 đồng/CP và 598,4 tỷ đồng trái phiếu chuyển thành 27,2 triệu cổ phiếu với giá 22.000 đồng/CP. Giá chuyển đổi trung bình là 17.200 đồng/CP. Hai khoản này được ký kết bằng hợp đồng vay chuyển đổi ngày 18/9/2015 và hợp đồng vay chuyển đổi ngày 11/1/2016.

Tạm tính tại thời điểm 30/9/2015 và 31/12/2015 thì giá trị sổ sách của TTF tương ứng là 13.456 đồng/CP và 13.871 đồng/CP, khá sát với mức giá trung bình chuyển đổi là 17.200 đồng/CP. Tuy nhiên, sau khi kiểm toán phát hiện hàng tồn kho “thiếu” 980 tỷ đồng so với báo cáo, số hàng tồn kho thiếu này đã được hạch toán ngay vào giá vốn hàng bán khiến TTF lỗ gần 1.100 tỷ đồng trong quý II/2016, vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 516 tỷ đồng ở cuối quý II trên vốn điều lệ 1.446 tỷ đồng, tương ứng giá trị sổ sách TTF chỉ còn khoảng 3.500 đồng/CP.

Theo Báo Đầu tư

Tin cùng chuyên mục

Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương thăm, chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Bảo hiểm Quân đội ra mắt giao diện website mới, nâng tầm dịch vụ khách hàng

MM Mega Market Việt Nam được vinh danh Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024

GreenYellow và LOTTE Mart hợp tác thúc đẩy giải pháp năng lượng trong lĩnh vực bán lẻ

Doanh nghiệp Việt lập công ty 1.000 tỷ để nghiên cứu và phát triển người máy

Giá sắt phế liệu hôm nay tăng hay giảm? Thông tin mới nhất

ROX Group được vinh danh 'Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam' năm thứ hai liên tiếp

PC Thừa Thiên Huế: Trao giải, giấy chứng nhận Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024

Sun Group 5 năm liên tiếp đạt giải 'Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

BIM Group được vinh danh Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024

Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

PV GAS SE - Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam

Phân bón Cà Mau được vinh danh về Quản trị công ty và báo cáo phát triển bền vững

Những giải pháp hay giúp "Thức dậy" những mùa vàng

Cảng Chu Lai mở tuyến hàng hải kết nối thị trường Mỹ

PC Thừa Thiên Huế: Tiết kiệm điện nơi công sở - Nét đẹp trong văn hóa doanh nghiệp

PC Thừa Thiên Huế: Tự động xử lý mất kết nối thiết bị đóng cắt có điều khiển xa

Chiến lược hợp tác quốc tế hướng đến phát triển bền vững của Tập đoàn Bamboo Capital

PVFCCo và PV GAS tăng cường hợp tác lâu dài, toàn diện, hướng tới phát triển bền vững

PVFCCo được vinh danh "Doanh nghiệp vì cộng đồng" tại Saigon Times CSR 2024