Thứ hai 18/11/2024 21:14

Từ đồi trọc biến thành đồi chè tiền tỷ

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, cây chè tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã giúp người dân nơi đây không chỉ giải quyết việc làm, thoát nghèo mà còn nâng cao đời sống nhờ những sản phẩm chè xuất khẩu.

Trăn trở tìm cách thoát nghèo cho người dân, lãnh đạo địa phương đã thử đưa nhiều cây ăn quả về làm kinh tế. Tuy nhiên, tính chất đất ở vùng này không hợp, lại chịu ảnh hưởng bởi gió Lào, nắng nóng nhiều. Qua gần nửa thế kỷ bén rễ ở đây, giá trị kinh tế mà cây chè mang lại được khẳng định hơn hẳn các loại cây trồng khác. Hiện nay, màu xanh của cây chè phủ lên hơn 4.500ha đồi núi trọc mà nhiều loại cây trồng trước không lên nổi, nhiều nhất ở các xã Hạnh Lâm, Thanh Mai, Thanh An, Thanh Thủy của huyện Thanh Chương…

Tận dụng lợi thế từ vẻ đẹp hoang sơ của đồi chè, chính quyền nơi đây đã biến những dãy đồi trọc năm nào thành khu du lịch nổi tiếng ở xứ Nghệ

Theo thống kê mới nhất hiện Thanh Chương có trên 10.000 hộ dân trồng chè với năng suất bình quân khoảng 50 tấn/ha, mỗi năm có thể đạt đạt trên 200.000 tấn chè. Sau gần 50 năm, cây chè vẫn trụ vững tại mảnh đất cằn cỗi này, giúp bà con thay đổi đời sống, giải quyết lực lượng lao động lớn ở địa phương, giúp các gia đình nuôi con em trong xã ăn học đầy đủ. Cây chè trở thành cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân.

Thời điểm này, người dân trồng chè trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang vào mùa thu hoạch lứa chè chính trong năm. Giá tăng, chè được mùa nhờ thời tiết thuận lợi nên người trồng phấn khởi. Tại xưởng chè Đường Hương – Hạnh Lâm (Thanh Chương) thời điểm chính vụ này phải huy động đến 40 nhân công làm việc theo ca, đảm bảo dây chuyền hoạt động 24/24h để kịp chế biến hết lượng chè cho bà con trong vùng với công suất 35 tấn chè búp tươi/ngày. Bà Nguyễn Thị Hương, chủ xưởng chè Đường Hương cho biết: “So với đầu vụ thì thời điểm này đã tăng khoảng 1.000 đồng/kg. Hiện Xưởng đang thu mua cho bà con từ 3.600 đồng – 3.900 đồng/kg chè búp tươi, đây là mức giá cao nhất trong 2 năm qua”.

Lý giải cho chúng tôi về giá thu mua ổn định trở lại, bà Hương cho biết thời gian gần đây giá chè khô thế giới tăng, các đối tác nước ngoài khi dịch tạm ổn đã cử chuyên gia qua tận nơi kiểm tra chất lượng chè cũng như số lượng thu mua và khi giá cả ổn định, thị trường không tồn đọng thì giá thu mua cho bà con từ đó tăng theo.

Với giá thu mua cho bà con gần 4000 đồng/kg chè búp tươi, đây được cho là mức giá cao nhất trong 2 năm qua tại đây

Anh Võ Thanh Nam - người trồng chè xóm 3, xã Thanh Đức cho biết, hiện cả xã có trên 700ha chè. Gia đình anh là một trong những hộ trồng chè lâu năm. Thời điểm đầu trồng kỹ thuật chưa hiểu, kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn. Lâu dần chè được thu mua, có đầu ra, nhờ 4ha chè, đời sống gia đình anh đã khấm khá hơn. Anh Nam nói, “gia đình anh vừa thu hoạch trên 2ha chè, giá vụ này hơn hẳn vụ trước, giá chè tăng 700 -1.000 đồng/kg chè búp tươi. Giá trong mùa dịch như thế này đã là may mắn lắm rồi, và đã cao nhất trong 2 năm lại nay, với mức giá này, trừ chi phí thì gia đình vẫn còn có lãi. Đặc biệt là vụ này khi thu hái xong là thương lái đưa xe đến tận nơi thu mua, bà con không phải tự mang chè đi chào bán…

Anh Nam trăn trở “Nếu cứ cho trồng đại trà như trước, một số hộ lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để búp lên nhanh nên bị nhà máy từ chối thu mua, khiến đầu ra của chè bị ảnh hưởng…”.

Nắm bắt được điều đó, nhiều xã ở Thanh Chương chủ trương chuyển đổi sang canh tác chè theo tiêu chuẩn VietGap. Ở xã Thanh Đức chuyển đổi với quy mô gần 10ha cho thấy chè trồng theo chuẩn VietGAP năng suất cao hơn, dư lượng thuốc BVTV trong chè và tồn dư kim loại nặng đều ở dưới mức cho phép. Đây là yếu tố quan trọng để sản phẩm chè Nghệ An cạnh tranh bình đẳng với chè trong nước và thế giới cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Qua đó, giúp người sản xuất và kinh doanh chè có thêm nhiều cơ hội gia tăng giá trị kinh tế từ cây chè.

Trong năm 2020, chè xanh Thanh Chương được UBND tỉnh Nghệ An chứng nhận đạt chuẩn 4 sao theo tiêu chuẩn OCOP

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ, “Xu thế hiện nay, để phát triển bền vững cây chè, tránh tình trạng trồng rồi chặt bỏ thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng sản phẩm chế biến, muốn vậy thì phải có vùng nguyên liệu sạch. Người dân phải thay đổi tư duy sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước cùng đồng hành, hỗ trợ…”.

Thời điểm này mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang chưa có dấu hiệu dừng lại nhưng xuất khẩu chè của Nghệ An đang có dấu hiệu khởi sắc. Sản phẩm chè Nghệ An đang dần khẳng định được thương hiệu và có vị trí vững chắc trong ngành chè cả nước cũng như chinh phục được một số thị trường trên thế giới như các nước Pakistan, Trung Quốc, Ba Lan, Nga, Iran, Anh…Ngoài các thị trường được xem là truyền thống hiện nay, các doanh nghiệp Nghệ An đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường mới có tiềm năng như Tây Âu, Bắc Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ…

Ông Phạm Bá Châu - Giám đốc HTX chè xanh Thanh Chương: Trong năm 2020, chè xanh Thanh Chương được UBND tỉnh Nghệ An chứng nhận đạt chuẩn 4 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Thương hiệu chè xanh Thanh Chương do HTX Nông nghiệp và chế biến chè Thanh Đức sản xuất hiện đã hoàn thiện các tiêu chí về chất lượng sản phẩm và đóng gói bao bì, dán nhãn mác bài bản. Thế nhưng thị trường, thị phần vẫn rất hạn chế. Đầu ra chủ yếu vẫn do các thành viên trong HTX tự xoay xở, liên hệ, kết nối, bán lẻ trên thị trường tự do là chính…

Hoàng Trinh

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai công khai kết quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp

Vĩnh Phúc: Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp

TP. Hạ Long: Phát triển và đổi mới giáo dục trong thời đại kỷ nguyên số

Nam Định phân hạng và công nhận lại 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Quảng Ninh: Thu hút đầu tư thông minh, hướng tới phát triển kinh tế xanh

Bộ chỉ số DDCI năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh có gì mới?

Bạc Liêu: Hướng tới mô hình nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững

Sơn La có thêm 10 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

Quảng Ninh chuyển mình mạnh mẽ với công nghiệp chế biến, chế tạo

Sơn La đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững

Bắc Ninh nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Quảng Ninh: Mở rộng thị trường, đa dạng nguồn khách du lịch

Lào Cai: Đề xuất 22 dự án ổn định dân cư tập trung cho 1.237 hộ vùng thiên tai khẩn cấp

Sơn La tham gia Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024

Tuyên Quang: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Cầu Hòa Sơn trị giá 540 tỷ đồng nối Bắc Giang với Thái Nguyên chính thức thông xe

Quảng Ninh: Doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh

Quảng Ninh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt với dịch vụ công

Quảng Ninh vươn mình cùng hệ thống cảng biển hiện đại

Quảng Ninh: Thành công vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số