Từ chuyện bà bầu 8 tháng ở Cao Bằng mưu sinh, từ chối nhận từ thiện, ngẫm về lòng tự trọng
Mới đây, cư dân mạng xôn xao trước hình ảnh một bà bầu "vượt mặt" gần đến ngày sinh ở Cao Bằng nhưng không hề nghỉ ngơi mà liên tục bốc hàng, sau đó trèo lên xe tải xếp dỡ hàng hóa. Hình ảnh người phụ nữ với chiếc bụng bầu "vượt mặt" cùng khuôn mặt bơ phờ và mệt mỏi trong cuộc mưu sinh khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Được biết, vì hoàn cảnh khó khăn nên chị Hoàng Thị Diễm (30 tuổi) “tạm quên” đi việc bản thân đang mang bầu với mục đích "cùng chồng gánh vác gia đình". Sau khi đoạn clip về hình ảnh chị Diễm vác hàng đã có rất nhiều người bày tỏ nguyện vọng liên hệ tìm cách giúp đỡ. Tuy vậy, vợ chồng chị Diễm một mực từ chối với một ý nguyện đơn giản vì nhiều người còn khó khăn hơn. "Nghèo thì nghèo thật, nhưng tôi không kêu gọi từ thiện mà chỉ muốn chia sẻ về câu chuyện của hai vợ chồng", chị Diễm nói.
Chị Hoàng Thị Diễm |
Hình ảnh chị Diễm dù bụng bầu tới 8 tháng gần đến ngày sinh nở, vẫn làm việc mưu sinh, từ chối sự giúp đỡ đã khiến nhiều người nhớ lại câu nói nổi tiếng của học giả người Hungary Thomas Szass. Ông đã từng cho rằng: “Người sáng suốt coi lòng tự trọng là không thể thương lượng và sẽ không đổi nó lấy sức khỏe, sự giàu sang, hay bất cứ thứ gì khác”.
Câu chuyện của chị Diễm có lẽ cũng vậy, bởi người phụ nữ ấy tâm sự rất đỗi giản dị, chỉ chia sẻ câu chuyện của mình và không mưu cầu nổi tiếng hay được ca ngợi và hoàn toàn không đánh đổi bằng... tiền bạc hay tình thương.
Lòng tự trọng, tự lực vươn lên của chị Diễm hay rất nhiều người Việt Nam khác tự trong huyết quản đã có sẵn. Bởi tự trọng là một nét đặc trưng của người Việt Nam. Xưa nay, trong các gia đình tử tế, sống có nền nếp, có gia phong tốt đẹp, các bậc ông bà, cha mẹ thường khuyên dạy con cháu phải có lòng tự trọng: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”...
Sự tự trọng của chị Diễm cũng như một sự tử tế, sẻ chia, không nhận từ thiện mà kêu gọi mọi người dành điều ấy cho những người khó khăn hơn. Và có lẽ lòng tự trọng đã trở thành động lực để chị Diễm đương đầu với thử thách, vượt lên khó khăn trong công cuộc vất vả mưu sinh.
Hình ảnh chị Diễm bốc hàng khiến nhiều người cảm động |
Có thể thấy, ngày nay, câu chuyện về việc đánh mất lòng tự trọng, ứng xử kém văn minh hay những hình ảnh xấu... đâu đó vẫn có thể bắt gặp, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể kể đến những hành vi trộm cắp tài sản của các thanh niên trai tráng to cao khỏe mạnh nhưng lười làm; những người dù không nghèo cũng cố kiếm cái sổ hộ nghèo để luôn "nghèo bền vững" và nhận lại tấm lòng "nhường cơm sẻ áo" của xã hội.
Như vừa qua, Báo Công Thương cũng đã phản ánh, có tình trạng một số người vô gia cư giả trà trộn vô gia cư thật "hành nghề" xuyên Tết trên một số tuyến phố của Hà Nội để "trục lợi" tình thương, đánh mất lòng tự trọng, đánh mất "dây thần kinh xấu hổ" để thu về những vật chất tầm thường cho bản thân...
Nguyên nhân sâu xa của những việc làm ấy có lẽ xuất phát từ việc một bộ phận chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt, đến lợi ích cá nhân, thiếu tự trọng với bản thân và xã hội. Quan trọng hơn chính là lòng tốt vốn có của mỗi người giờ đây dường như bị lấn át bởi sự vị kỷ, thiếu ý thức cộng đồng.
Ngạn ngữ Tây Ban Nha cũng từng có câu: “Ngay cả khi trong túi hết tiền, cái mũ trên đầu anh cũng phải đội cho ngay ngắn”. Có lẽ, lòng tự trọng đúng nghĩa không xây dựng trên những giá trị của vật chất. Nó không tự nhiên có mà đó là kết quả của sự tu dưỡng, rèn giũa nghiêm khắc với chính bản thân và phải được bắt đầu bằng sống tự trọng từ những điều nhỏ nhất. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết tự trọng, hiểu được giá trị của bản thân và cố gắng hoàn thiện bản thân, vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.