Tràn lan mũ bảo hiểm kém chất lượng
Mới đây, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 5, Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, phát hiện sản xuất gần 300 mũ bảo hiểm nhái nhãn hiệu HONDA tại Công ty TNHH MTV thương mại Phan Giang (xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Toàn bộ số hàng hóa thành phẩm và nguyên liệu, tem mũ bảo hiểm trên đều không có giấy tờ, hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo. Trước đó, hồi đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã kiểm tra một cơ sở tại huyện Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) và phát hiện cơ sở này đang gia công, sản xuất nhiều loại mũ bảo hiểm với số lượng lớn. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 500 sản phẩm mũ bảo hiểm giả các thương hiệu lớn, 1.200 vỏ mũ… các sản phẩm này đang chờ tung ra thị trường.
Được biết, các sản phẩm mũ bảo hiểm giả các thương hiệu lớn này khi hoàn thiện sẽ có độ chính xác cao, rất khó phân biệt. Mỗi tháng, cơ sở này sản xuất và tung ra hàng ngàn sản phẩm. Những sự việc được nêu trên hiện đã được lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng QLTT kiểm tra hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm |
Theo tiêu chuẩn Việt Nam, mỗi chiếc mũ đạt yêu cầu phải đảm bảo có cấu tạo đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm bảo vệ và quai đeo. Ngoài ra, thiết bị này cũng cần phải đạt các chỉ tiêu khác liên quan đến kích thước, chất liệu và các chỉ số thử nghiệm đảm bảo an toàn đối với người dùng. Kết quả công bố khảo sát chất lượng trên 540 loại mũ bảo hiểm của Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, 25,9% số mũ được chọn khảo sát là “mũ bảo hiểm lưỡi trai”, loại mũ có lớp vỏ nhựa mỏng, không có xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng nên không được xem là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy theo quy định.
Dù không được xem là mũ bảo hiểm, tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng vẫn mua và sử dụng loại mũ này nhằm mục đích đối phó. Bên cạnh đó, những chiếc mũ bảo hiểm giá rẻ bán trên thị trường được người bán đội lốt dưới tên gọi “mũ thời trang” hay “mũ lưỡi trai” để né tránh sự quản lý của lực lượng chức năng.
Dù biết chiếc mũ này không thật sự an toàn khi tham gia giao thông, nhưng không nhiều người tiêu dùng biết chất lượng của chiếc mũ này kém đến mức có thể bẻ gãy bằng tay không và thậm chí các mảnh vỡ có thể đâm ngược vào người lái xe trong những tình huống tai nạn giao thông xảy ra.
Do đó, mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa đề xuất bỏ khái niệm “mũ bảo hiểm lưỡi trai” trong hồ sơ kiểm định vì không đạt tiêu chuẩn nhằm bảo vệ người tham gia giao thông. Cơ quan chức năng hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể để phân loại mũ bảo hiểm khi xử lý vi phạm. Về phía người tiêu dùng có thể căn cứ theo tem 3D kiểm định được dán ở sau mũ để lựa chọn sản phẩm và mua mũ bảo hiểm tại các địa chỉ uy tín để đảm bảo chất lượng, an toàn cho bản thân khi tham gia giao thông.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trên thị trường hiện nay có gần 90% mũ bảo hiểm không đạt chuẩn chất lượng quy định tại tiêu chuẩn QCVN2:2008/BKHCN (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy), không bảo vệ được người sử dụng từ nguy cơ chấn thương sọ não trong trường hợp xảy ra va chạm giao thông. |