TP.HCM: Đầu tư ngàn tỷ đồng để xây trung tâm cảnh báo cháy nổ
Hầu hết các vụ cháy tại khu dân cư do chập điện.
Ông Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết, thời gian qua các sự cố về điện dẫn đến cháy nổ chiếm đến trên 70% các vụ cháy trên địa bàn. Trong đó, nhiều vụ cháy nảy sinh do người dân tự đốt cỏ rác, hoặc tai nạn, sự cố về điện. Địa bàn để xảy ra cháy nổ tại khu vực dân cư nhiều nhất là quận 1 với 18 vụ. Nguyên nhân xảy ra cháy nhiều nhất là do các vi phạm quy định và sự cố hệ thống điện (107/165 vụ). Trong số các vụ cháy nêu trên, Cảnh sát PCCC TP đã trực tiếp cứu chữa được 83/165 vụ (chiếm trên 50%), số còn lại do lực lượng PCCC tại chỗ thực hiện.
Cũng theo ông Bửu, thành phố vừa tổng kết Chỉ thị 09-CT/TU của Thành ủy và sơ kết Chỉ thị 1634/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, trung ương và thành phố đều đánh giá cao những nỗ lực trong kéo giảm thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, do là một địa bàn đông dân, với mùa khô hanh kéo dài luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ phức tạp, trong đó xuất phát đa phần từ sự sơ xuất, bất cẩn trong sinh hoạt ở khu dân cư, đặc biệt là các sự cố về điện.
Để ứng phó với tình trạng này, trong năm nay, thành phố cũng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng một Trung tâm cảnh báo cháy kết nối với các cơ sở, nhà cao tầng “điểm nóng” về cháy nổ để cảnh báo sớm, cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Ngoài xây dựng Trung tâm cảnh báo cháy nổ sớm, TP.HCM cũng đang tiếp tục thực hiện Dự án Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn đến năm 2025 và Đề án nâng cao năng lực PCCC xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới. Nhờ các đầu tư như vậy, công tác PCCC trên địa bàn thành phố được dự báo sẽ tiến tới chuyên nghiệp, hiện đại trong những năm tới đây.