TP. Hồ Chí Minh: Vững nhịp tăng trưởng kinh tế
Trong quý I/2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh đạt 159.373 tỷ đồng, tăng 11,5%. Trong đó, doanh thu thương mại chiếm 78,34%, đạt 124.855 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động sản xuất - kinh doanh bất động sản đạt 23.507 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp khai khoáng.
Bên cạnh đó, hoạt động thu hút đầu tư 3 tháng đầu năm cũng đạt kết quả khả quan. Tổng vốn đầu tư thu hút (kể cả cấp mới và điều chỉnh) tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX - KCN) trên địa bàn thành phố đạt hơn 381,7 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm của các DN trong KCX - KCN ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ. Nhìn chung, việc thu hút vốn vào các KCX - KCN nhất là nguồn vốn FDI tăng cao cho thấy nguồn vốn đầu tư không bị ảnh hưởng chung về sự giảm mạnh trong việc thu hút nguồn vốn FDI cả nước 3 tháng qua.
Năm 2015, các KCX - KCN TP. Hồ Chí Minh phấn đấu thu hút 700 triệu USD vốn đầu tư. Trong đó sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm: cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và chế biến tinh lương thực - thực phẩm.
Để thực hiện mục tiêu này TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể như triển khai xây dựng các khu nhà xưởng cao tầng tại 4 KCN - KCX (Đông Nam, Hiệp Phước, Tân Thuận, Linh Trung) với quy mô hàng chục nghìn mét vuông để phục vụ các nhà đầu tư; triển khai xây dựng các KCN chuyên ngành, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, Ban Quản lý các KCX - KCN TP. Hồ Chí Minh (Hepza) đã chuẩn bị 260 ha đất tập trung vào các KCX - KCN Tân Thuận, Hiệp Phước, An Hạ, Tân Phú Trung, Cơ khí ôtô, Đông Nam. Cùng với đó, TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tham gia, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nâng cao trình độ công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện cơ chế quản lý một cửa tại chỗ, đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục đầu tư...
Nhằm giữ vững nhịp độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, ông Thái Văn Rê- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai chương trình tháo gỡ khó khăn cho DN. Tính đến nay, dư nợ cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao) đạt 137.611 tỷ đồng, tăng 0,86% so với năm 2014, trong đó cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa chiếm 65% tổng dư nợ.