TP. Hồ Chí Minh ưu tiên hợp tác nhiều lĩnh vực lợi thế với các tỉnh vùng Tây Nguyên
Triển khai hợp tác 5 lĩnh vực trọng tâm
Sáng 4/4, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị |
Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan; Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), bà Đỗ Thị Minh Trâm; Phó Chủ tịch UBND các tỉnh: Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Đỗ Thị Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tham dự hội nghị |
Vùng Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Để tăng cường hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên, ngày 29/12/2022, UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, bao gồm: Lâm Đông, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk; Đắk Nông đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2025 tại tỉnh Lâm Đồng, gồm 5 lĩnh vực hợp tác trọng tâm: Du lịch, thương mại, nông nghiệp, khoa học công nghệ, y tế giáo dục. Hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng Tây Nguyên.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị sơ kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên nhằm đánh giá tình hình hợp tác thời gian qua và đề xuất các phương hướng tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - khẳng định: Hội nghị sơ kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng.
Sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh luôn song hành, gắn liền với sự phát triển của các địa phương trong cả nước, trong đó có các tỉnh vùng Tây nguyên. Theo đó, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đã quan tâm chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thực hiện các nội dung theo bản thỏa thuận hợp tác nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các địa phương.
Đặc biệt, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã có những tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân tại các tỉnh, thành nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.
Nâng cao hiệu quả hợp tác
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận: Các nội dung bản thỏa thuận hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên được ký kết trong tháng 9/2023 nên chủ yếu được thực hiện trong quý IV/2023. Do thời gian ngắn nên nhiều nội dung hợp tác chưa được triển khai thực hiện; ảnh hưởng đến kết quả tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch; sự kết nối trong việc chuẩn bị và tổ chức thực hiện các sự kiện giữa các tỉnh Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên chứng kiến trao biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2024-2025 |
Mặt khác, chương trình hợp tác vẫn còn một số hạn chế nhất định bởi phần lớn cơ chế hợp tác giữa hai địa phương chủ yếu là sự hỗ trợ một chiều của TP. Hồ Chí Minh dành cho các tỉnh trong vùng; các kết quả hợp tác kinh tế - xã hội chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực đầu tư xã hội hóa.
Do đó, ông Võ Văn Hoan cho rằng, việc hợp tác trong năm 2024 và thời gian tới cần tập trung khai thác thế mạnh tiềm năng sẵn có, phát huy lợi thế của các tỉnh vùng Tây Nguyên. Trong đó, tập trung triển khai 32 nội dung về lĩnh vực Công Thương trong hợp tác tác song phương giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng). Cùng với đó, tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên.
“Việc hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng Tây nguyên” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, đã diễn ra hoạt động trao biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2024-2025; trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh với Sở Y tế các tỉnh vùng Tây Nguyên; trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 5 bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Trong năm 2024 - 2025, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên tập trung thực hiện trên 5 lĩnh vực, gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục; lĩnh vực nông nghiệp. |