TP. Hồ Chí Minh thí điểm cơ chế đặc thù: Tạo vốn phát triển hạ tầng
TP. Hồ Chí Minh đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng |
Dịch chuyển cơ cấu vốn đầu tư
Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu chi đầu tư phát triển của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 là 326.556 tỷ đồng, đã thực hiện chi đầu tư giai đoạn 2016 - 2017 đạt 48.101 tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2018 - 2020, thành phố cần tới 278.455 tỷ đồng. Với nhu cầu trên, thành phố dự kiến huy động 121.953 tỷ đồng cân đối từ ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; 14.774 tỷ đồng ngân sách Trung ương (ước tính); 14.881 tỷ đồng nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với các Hiệp định vay đã ký kết; 126.847 tỷ đồng dự kiến từ nguồn thu thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho thấy, cơ cấu vốn đầu tư có sự dịch chuyển. Cụ thể, cơ cấu đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước tuy có tăng về giá trị tuyệt đối, nhưng lại giảm về tỷ trọng đầu tư trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (giảm từ 24,3% năm 2011 xuống 19,7% năm 2015). Trong khi vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 60% lên 62% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Như vậy có thể thấy, vốn đầu tư từ khu vực nhà nước hiện đóng vai trò “vốn mồi” để đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế tạo tiền đề thu hút đầu tư từ các khu vực khác. Trong khi đó, vốn từ khu vực ngoài nhà nước tỷ trọng tăng cho thấy, hoạt động xã hội hóa đầu tư trên địa bàn đã phát triển mở rộng, đặc biệt đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật - lĩnh vực cần nhiều vốn đầu tư, khả năng thu hồi vốn dài, điều này cũng góp phần quan trọng trong việc giảm gánh nặng cho ngân sách.
Tạo vốn từ cơ chế đặc thù
Bên cạnh tạo vốn đầu tư phát triển hạ tầng từ xã hội hóa, hiện nay, UBND thành phố đang có nhiều giải pháp huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp phát huy cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Theo đó, sẽ huy động tối đa nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn huy động từ ngân sách nhà nước như nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Song song đó, thành phố cũng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xã hội hóa đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút và đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa đầu tư, tạo nguồn lực mới; huy động tối đa nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả trong mọi lĩnh vực, tạo động lực phát triển toàn diện và bền vững của thành phố.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh sẽ đưa ra đấu giá, đấu thầu, trở thành phương thức phân bổ các nguồn lực đầu tư trên địa bàn, nhất là nguồn lực đất công, tài sản công. Mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của thành phố để thực hiện các dự án đầu tư phát triển.
Tổng vốn đầu tư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong 9 tháng năm 2018 thực hiện 276.819 tỷ đồng, đạt 66,4% kế hoạch năm. Vốn đầu tư trên địa bàn có tốc độ tăng cao hơn những năm trước do tình hình kinh tế trong nước đang tiến triển khả quan. Ước quý IV tăng hơn 23% so với quý III, chủ yếu do triển khai các dự án lớn thuộc lĩnh vực bất động sản. |