TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường liên tiếp phát hiện nhiều vi phạm trên thương mại điện tử
Liên tiếp phát hiện hàng hóa vi phạm
Ngày 1/11, Đội Quản lý thị trường số 18 (Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh) thông tin, vừa qua, đơn vị đã liên tiếp phát hiện, kiểm tra và thu giữ số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu được chào bán trên các trang mạng xã hội. Trong đó, đã xử phạt số tiền gần 350 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá hơn 210 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 60 triệu đồng trên địa bàn huyện Hóc Môn.
Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 2317/KH-QLTTHCM ngày 19/7/2024 của Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai công tác về thương mại điện tử trong 6 tháng cuối năm 2024. Thông qua việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và công tác quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 18 đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng các trang mạng xã hội để chào bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại cửa hàng của Công ty TNHH Kinh doanh vàng Kim Bảo Ngân - (Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh). |
Cụ thể, ngày 1/10/2024 và ngày 02/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 18 đã phát hiện việc giới thiệu, chào bán vàng trang sức trên mạng xã hội (TikTok, Zalo) của Doanh nghiệp tư nhân Kinh doanh vàng và cầm đồ K.H. (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) và Công ty TNHH Kinh doanh vàng K.B.N (tại thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn) nên đã phối hợp với lực lượng Công an kinh tế huyện Hóc Môn, Công an xã Bà Điểm, thị trấn Hóc Môn kiểm tra. Kết quả, lực lượng chức năng đã tạm giữ 4 sản phẩm vàng trang sức có tổng trị giá trên 100 triệu đồng và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt số tiền 200 triệu đồng đối với 2 doanh nghiệp nêu trên.
Cũng trong ngày 2/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 18 phối hợp với Công an xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa tại xã Đông Thạnh do ông T.H.M. làm chủ nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra tạm giữ 11.590 cái đĩa đá cắt các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang chào bán qua mạng xã hội Zalo, trị giá hàng hóa gần 60 triệu đồng.
Tiếp tục rà soát việc kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trong thương mại điện tử, ngày 14/10/2024 Đội Quản lý thị trường số 18 đã phát hiện Hộ kinh doanh N.T.K. (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) kinh doanh thiết bị điện qua Zalo nên đã phối hợp Công an xã Nhị Bình kiểm tra và tạm giữ 9.300 sản phẩm chóa đèn xe, đuôi đèn và ổ cắm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá gần 54 triệu đồng.
Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường số 18 đã phối hợp với Công an xã Bà Điểm kiểm tra Cửa hàng mắt kính 135 chào bán mắt kính thời trang qua TikTok, tạm giữ số mắt kính thời trang hiệu Porsche Design, Montblanc, có trị giá hơn 23,6 triệu đồng. Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt với số tiền 35 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cửa hàng kinh doanh trên.
Đội Quản lý thị trường số 18 cũng đã phối hợp với Công an xã Nhị Bình kiểm tra Công ty S.G đang chào bán mỹ phẩm thông qua mạng xã hội Zalo, tạm giữ 200 chai mỹ phẩm dưỡng ẩm toàn thân, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có trị giá 36 triệu đồng. Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt với số tiền 50 triệu đồng đối với Công ty S.G. nêu trên.
Đội Quản lý thị trường số 18 kiểm tra tại cơ sở - (Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh). |
Đẩy mạnh kiểm tra kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại và phát hiện nhiều vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử.
“Trong 10 tháng năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường đã tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…). Từ đó, đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 257 vụ vi phạm, đã xử phạt với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 7,1 tỷ đồng”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Huy, hiện nay, người kinh doanh cũng đã chuyển dần qua kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội hay các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
“Với tính chất ẩn danh và khả năng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo, Shopee, Lazada, người bán dễ dàng lập nhiều tài khoản với danh tính giả, dùng tên miền quốc tế hoặc đổi tên liên tục khi bị phát hiện, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xử lý vi phạm”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Ông Nguyễn Quang Huy cũng thông tin, trong thời gian tới, Cục sẽ chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an thành phố trong công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại mà tập trung là trên môi trường thương mại điện tử.
“Vào những tháng cao điểm cuối năm đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết, Cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, tập trung chú trọng tới công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội và xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Quang Huy nói.