TP. Hồ Chí Minh: Kiểm tra 7 cửa hàng, thu giữ trên 33.000 phụ tùng xe máy giả, không rõ nguồn gốc
Là phương tiện giao thông chính nên nhu sửa chữa, bảo dưỡng tại Việt Nam tương đối lớn. Nắm bắt được thị hiếu này, nhiều đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình làm nhái, làm giả để mang lại khoản siêu lợi nhuận. Các bộ phận đảm bảo sự an toàn cơ bản cho người sử dụng phương tiện như hệ thống phanh, má phanh, khung xe, lốp, hệ thống truyền động, bộ lọc dầu, pit tông... thường lại là đối tượng bị làm giả nhiều nhất. Nhiều trường hợp do sử dụng phụ tùng nhái khiến xe máy có thể bị cháy nổ, xe gãy trục, nổ lốp…
Thời gian qua, lực lượng QLTT vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này. Dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), chỉ trong 1 ngày (ngày 3/9) đồng loạt ra quân, lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 7 cửa hàng. Đó là Cửa hàng Tưởng Phát, tại địa chỉ số 49/6 Trần Quý, Phường 4, Quận 11; Công ty TNHH TM DV Nhật Khang, tại địa chỉ số 86 Dương Tử Giang, Phường 14, Quận 5; Hộ kinh doanh Huỳnh Mỹ Dao, tại địa chỉ số 99-101-103 Tân Thành, Phường 15, Quận 5; Hộ kinh doanh Vũ Trụ, tại địa chỉ số 122B Dương Tử Giang, Phường 15, Quận 5; Công ty TNHH SX-TM phụ tùng xe máy Vũ Trụ, tại địa chỉ số 125A Dương Tử Giang, Phường 15, Quận 5; Cửa hàng phụ tùng xe máy Anh Em Vinh, tại địa chỉ số 216-214C-214B Đỗ Ngọc Thạnh, Phường 12, Quận 5; Cửa hàng phụ tùng xe máy Anh Em (Gia Luân), tại địa chỉ số 120 Phạm Hữu Chí, Phường 15, Quận 5 …
Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ được 33.069 sản phẩm chủ yếu là bi nồi, tay thắng, bố thắng, chén cổ, phuộc; bóng đèn led, heo dầu, đĩa thắng, thanh Catte, đồng hồ contơmét... Tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 1,1 tỷ đồng. Điển hình, một số sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu của hãng nổi tiếng thế giới về phụ tùng, phụ kiện xe gắn máy.
Không chỉ ghi nhận hàng hóa được bày bán không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện các cửa hàng trên đã thiết lập một số website như www.vutru.vn; www.xemayanhem.vn; www.phutunganhem.vn để giới thiệu và đăng bán sản phẩm. Đây là những trang web chưa được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Đặc biệt, trên các website này đa phần đều không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website, thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển, giao nhận, phương thức thanh toán, các điều khoản hợp đồng và điều kiện giao dịch chung trước khi khách hàng tiến hành giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử.
Như vậy, không những kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, các cửa hàng trên còn chưa thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Theo Tổng cục QLTT, chợ Tân Thành (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) là địa điểm kinh doanh phụ tùng xe máy nổi tiếng tại thành phố. Chính vì vậy, lực lượng QLTT thường đề cao tinh thần, đồng thời quyết liệt đẩy mạnh công tác chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường giám sát, quản lý địa bàn. Tuy nhiên, cái khó khăn đối với lực lượng chức năng khi kiểm tra, xử lý đó là hầu hết các cửa hàng tại đây bày bán rất ít nhưng khi khách hàng có nhu cầu, họ sẵn sàng vào kho đem ra bán cho khách. Việc cất giấu hàng cũng là chiêu thức nhằm đối phó với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Mặt khác, giới kinh doanh tại khu vực chợ Tân Thành cũng có rất nhiều tai mắt để cảnh giác lực lượng chức năng. Hầu hết hàng hóa nơi đây đều được tân trang lại trước khi bán ra thị trường nên rất khó biết được chất lượng của món hàng.
“Chúng tôi sẽ xử lý thật nghiêm những đối tượng vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm, bày bán những sản phẩm gây mất an toàn cho người dân” - lãnh đạo Tổng cục QLTT nhấn mạnh.
Ngoài TP. Hồ Chí Minh, lực lượng QLTT tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Hà Nội… cũng đang tiến hành rà soát lại các điểm kinh doanh phụ tùng xe máy trên địa bàn.