Ngày 17/10, trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Đông Hòa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã chủ động triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên đến toàn thể công chức; đôn đốc các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được phân công quản lý.
“Nhìn chung, qua công tác kiểm tra, kiểm soát cho thấy, đa số các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt quy định pháp luật; hàng hóa có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc hợp pháp, có niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết... Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật; các trường hợp vi phạm đã được xử lý theo đúng quy định”, ông Hòa đánh giá.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra 871 vụ việc, qua đó, phát hiện 482 vụ vi phạm, đã tiến hành xử lý 476 vụ. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là hơn 7,5 tỷ đồng, trong đó, phạt hành chính hơn 4,8 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu là hơn 2,7 tỷ đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 4,7 tỷ đồng.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu giữ 192 sản phẩm giày, dép các loại có các dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “CROCS”. Ảnh: Cục QLTT BR-VT |
Ông Vũ Đông Hòa nhận định, Bà Rịa - Vũng Tàu là thị trường sản xuất ra hàng hóa là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, chế biến và là điểm tiêu thụ hàng tiêu dùng từ các nơi khác vận chuyển về, nên tình trạng buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác tuy có diễn ra, nhưng số vụ vi phạm nhỏ với số lượng hàng hóa không lớn, quy mô nhỏ lẻ và giá trị không cao.
Tuy nhiên, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh trái pháp luật ngày càng phức tạp và tinh vi, nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
"Các vụ vi phạm tập trung vào các mặt hàng kinh doanh hàng không có nguồn gốc trên địa bàn như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng ô tô, phụ tùng xe máy, thiết bị điện gia đình, đồng hồ đeo tay, mắt kính, linh kiện điện thoại, đồ chơi trẻ em, quần áo cũ... buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu là dầu D.O, ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu... Tất cả các vụ vi phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện một hộ kinh doanh đang bày bán 12 chiếc xe đạp điện và 33 sản phẩm phụ tùng xe đạp điện không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Cục QLTT BR-VT |
Cũng theo ông Hòa, tình hình hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng hóa vi phạm các quy định về nhãn… vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nguồn hàng chủ yếu được các đối tượng lấy từ các tỉnh, thành phố khác vận chuyển về địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để tiêu thụ. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm giao nhận hàng, cất giấu ở nhiều địa điểm khác nhau nhằm gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, các đối tượng đã lợi dụng sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số như: Lazada, Tiki, Shopee, Facebook, Zalo, Tiktok,... sử dụng nhiều tài khoản để giới thiệu, trộn lẫn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán cho người tiêu dùng và sử dụng hình thức giao hàng qua công nghệ để tránh sự truy xét ngược của các cơ quan chức năng và có thể nhanh chóng xóa thông tin, gây khó khăn trong việc truy vết và xử lý vi phạm.
Ngoài ra, các đối tượng thường lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý, thực thi pháp luật và tâm lý, sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để thực hiện việc cấu kết đưa các sản phẩm hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào thị trường. Bên cạnh đó, việc ứng dụng thương mại điện tử, nền tảng số trong hoạt động kinh doanh tăng cao và sử dụng phương pháp giao hàng thông qua dịch vụ chuyển phát là môi trường để hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đưa vào lưu thông, khiến lực lượng chức năng rất khó đối phó.
Từ thực tế đó, ông Hòa cho rằng, vào những tháng cuối năm, tình hình thị trường luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, các hoạt động buôn lậu, vận chuyển buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và phức tạp, đặc biệt những tháng cuối năm là mùa Noel, tết Dương lịch và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân càng diễn ra sôi nổi.
Cục Quản lý thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện một cửa hàng kinh doanh gần 400 đôi giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE, MLB. Ảnh: Cục QLTT BR-VT |
Ông Vũ Đông Hòa nhận định, tình hình gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường dự báo vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực thương mại điện tử với thủ đoạn tinh vi không ngừng gia tăng.
“Để hoàn thành nhiệm vụ được giao và các mục tiêu đề ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bám sát tình hình thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm xảy ra, góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức, nhất là thực hiện nghiêm túc bản cam kết đối với trách nhiệm người đứng đầu, của công chức và người lao động. Chú trọng công tác quản lý địa bàn, giám sát, nắm tình hình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính gắn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chủ động và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và các cấp chính quyền đảm bảo hoạt động có hiệu quả trên lĩnh vực được phân công. Làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực thương mại để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và đồng tình với hoạt động chuyên môn của lực lượng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý thị trường, góp phần bảo đảm thị trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính, giúp nhân dân an vui đón Tết.