TP. Hồ Chí Minh đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông
Sáng 6/9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp ngành Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông và Chính quyền Thành phố”.. Đây cũng là Hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 248 của Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền thành phố.
Ông Võ Minh Thành - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh điều hành hội nghị. Ảnh: Thanh Minh. |
Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) nhấn mạnh: Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh về lĩnh vực công nghệ thông tin; các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông với Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Minh. |
Tại buổi đối thoại, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tiếp nhận và trả lời hàng chục câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin - điện tử viễn thông và các sản phẩm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế số; giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý nhà nước về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế...
Hội nghị thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp công nghệ thông tin. Ảnh: Thanh Minh. |
Một vấn đề "nóng" được nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là bảo mật, ngăn chặn các phần mềm độc hại để chúng không thể làm hỏng hệ thống máy tính, hay cài các mã độc nhằm ăn cắp thông tin của doanh nghiệp, cá nhân.
Doanh nghiệp nêu câu hỏi tại hội nghị. Ảnh: Thanh Minh. |
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hiện nay, có rất nhiều giải pháp tổng thể và đồng bộ, thường xuyên, liên tục nhưng các cá nhân, tổ chức, cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp cần phải quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ an toàn thông tin để không xảy ra sơ hở. Đồng thời, đề nghị phải nâng cao nhận thức, thực hành và tuân thủ các quy định về an toàn thông tin.
Để ngăn bảo mật, ngăn chặn các phần mềm độc hại, ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch Chi hội An toàn Thông tin phía Nam tại hội nghị cũng đề nghị, các đơn vị cần nâng cao ý thức về an toàn thông tin, xây dựng các giải pháp đồng bộ về bảo mật mạng không dây; kiểm soát truy cập; lọc thư rác, nội dung web; thiết lập tường lửa có hệ thống phát hiện xâm nhập cũng như tấn công DDoS…
Ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch Chi hội An toàn Thông tin phía Nam, trả lời câu hỏi của doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Thanh Minh. |
Một vấn đề nóng khác được các doanh nghiệp quan tâm tại hội nghị: Hiện đã có các chính sách hoặc mô hình “Sandbox” nào dành cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế số chia sẻ có ứng dụng hạ tầng viễn thông 5G; điện toán biên đám mây; thiết bị IoT được thiết kế và lắp ráp trong nước ở TP. Hồ Chí Minh và trên cả nước?
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay 100% địa bàn thành phố đã được phủ sóng thông tin di động thế hệ 4 (mạng 4G) cũng như đảm bảo 100% không có vùng lõm sóng tại khu vực dân cư tập trung.
Thuê bao di động tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay đạt 13.919.713 thuê bao trong đó thuê bao sử dụng thiết bị thông minh có truy nhập internet băng rộng di động (kết nối 4G, 5G) đạt 10.993.015, đạt tỷ lệ hơn 116.45%; đồng thời 100% mạng cáp quang băng rộng tốc độ cao đã được triển khai đến các khu phố, ấp.
Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp các doanh nghiệp Vinaphone, Viettel, Mobifone tại TP. Hồ Chí Minh để xây dựng kế hoạch triển khai hạ tầng thông tin di động mạng 5G trong giai đoạn năm 2024 - 2025 cũng như phối hợp các ngành, các cấp, các trường, viện nghiên cứu nhằm thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin có sử dụng, ứng dụng mạng 5G trong đó có nghiên cứu sử dụng các thiết bị IoT,….
“Do vậy, hạ tầng viễn thông tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn này và trong tương lai sẽ đáp ứng đầy đủ các nhu cầu, yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp đặt ra cũng như sẽ là cơ sở nền tảng để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của các ngành, các lĩnh vực và phục vụ đề án xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh của thành phố” - Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định.
Ông Võ Minh Thành - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, trả lời cầu hỏi của doanh nghiệp công nghệ thông tin tại hội nghị. Ảnh: Thanh Minh. |
Liên quan đến nội dung kiến nghị của doanh nghiệp nâng cấp chất lượng đường truyền. Trả lời nội dung này, ông Võ Minh Thành - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hiện nay, mạng cáp quang băng rộng tốc độ cao đã được triển khai đến 100% các khu phố, ấp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy cập internet tốc độ cao cho người dùng (hộ gia đình hoặc doanh nghiệp).
“Đối với việc kiến nghị nâng cao chất lượng đường truyền trong phạm vi toàn Thành phố hoặc 1 khu vực hoặc một vị trí cụ thể theo đề xuất của doanh nghiệp, tổ chức thì Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ truy nhập internet nhằm đáp ứng nhu cầu theo đề xuất của doanh nghiệp, tổ chức”, ông Võ Minh Thành nói.
Bên cạnh trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp tại Hội nghị, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả. |