Tổng cục Quản lý thị trường lên tiếng về hàng giả, hàng nhái tại 3 chợ của Việt Nam
Hàng năm kể từ 2006, USTR đều tiến hành xây dựng một Báo cáo có tên gọi Review of Notorious Markets for Counterfeiting and Piracy (tạm dịch Báo cáo về các chợ có tai tiếng về hàng giả và đánh cắp bản quyền). Trong này nêu một danh sách các chợ có tai tiếng (gọi tắt là NML). Trong danh sách NML của Báo cáo năm 2020, Việt Nam có 3 chợ truyền thống và trực tuyến bán các hàng hóa hữu hình được liệt kê, đó là: Shopee (chợ trực tuyến); Bến Thành và Đồng Xuân (chợ truyền thống).
Lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý hàng loạt điểm bán hàng giả, hàng nhái tại chợ Bến Thành |
Ông Nguyễn Kỳ Minh – Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT – cho biết, năm 2020, báo cáo của USTR đã nêu bật việc lợi dụng các nền tảng thương mại điện tử và các bên thứ ba khác (đóng vai trò trung gian) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu hàng giả và hàng xâm phạm quyền vào Hoa Kỳ. Vấn đề cốt yếu của Báo cáo này là phòng ngừa việc lợi dụng các loại hình chợ để kinh doanh buôn bán và nhập khẩu các sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả vào thị trường nội địa Hoa Kỳ.
“Sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền tảng thương mại điện tử trên phạm vi toàn cầu đã tạo cơ hội cho sự phát triển tràn lan của hàng giả và hàng lậu, biến tướng trở thành một ngành công nghiệp màu mỡ trị giá nửa nghìn tỷ đô la Mỹ. Hoạt động buôn bán bất hợp pháp này có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Hoa Kỳ thông qua việc làm xói mòn khả năng cạnh tranh của công nhân, nhà sản xuất và nhà đổi mới Hoa Kỳ” - trích đoạn trong Báo cáo năm 2020.
Tổng cục QLTT nhận thấy bản Báo cáo này được xây dựng một cách công phu, nghiêm túc và mang tính xây dựng. Các bên liên quan có thể tham khảo bản Báo cáo này nhằm thúc đẩy cả khu vực tư nhân và các chính phủ đưa ra các hành động thích hợp để giảm nạn vi phạm bản quyền và hàng giả.
Tuy vậy cũng cần lưu ý, NML không đưa ra các bằng chứng cụ thể về vi phạm pháp luật cũng như không phản ánh quan điểm chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ về môi trường thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chung ở các quốc gia có liên quan. NML được xây dựng chủ yếu dựa trên các thông tin đại chúng công khai.
Riêng với trường hợp cụ thể của Shopee, Báo cáo thực chất đề cập tới toàn bộ hệ thống của Shopee hoạt động trên phạm vi nhiều nước, bao gồm: Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Brazil và Việt Nam. Mặc dù cùng thương hiệu Shopee, nhưng tại mỗi quốc gia lại có một pháp nhân khác nhau với tên miền có đuôi tương ứng. Theo kiểm tra của Tổng cục QLTT, Shopee tại Việt Nam (Shopee.vn) có cơ chế xử lý các yêu cầu khiếu nại về quyền SHTT, có quy trình và biện pháp kiểm soát sản phẩm đăng bán và người bán.
Đáng chú ý, Nike cũng khẳng định nhận được sự hợp tác tích cực của Shopee Việt Nam trong việc gỡ bỏ hàng giả, hàng nhái mang nhãn hiệu NIKE và CONVERSE trên sàn Shopee.vn.
Đối với hai chợ truyền thống tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là chợ Đồng Xuân và Bến Thành, từ nhiều năm luôn có tiếng là tụ điểm nổi cộm về bán hàng giả, hàng nhái, nhiều lúc vắng bóng lực lượng chức năng là họ bày bán công khai. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ngay từ năm 2019, Tổng cục QLTT đã ban hành Kế hoạch 3972 phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020.
Thực tế cho thấy sau gần 2 năm triển khai quyết liệt, hiện nay tại 2 tụ điểm này, lượng ki-ốt bày bán hàng có dấu hiệu giả mạo, hàng nhái giảm đi rõ rệt. Thậm chí, sau nhiều lần đột kích của lực lượng QLTT cộng với chế tài xử phạt nghiêm khắc, các chủ sạp này đã đóng cửa, trả lại mặt bằng kinh doanh.
Thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bày bán công khai là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Vấn nạn này có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến hè phố các đô thị. Thậm chí nó còn len lỏi, trà trộn vào cả những trung tâm thương mại sầm uất, siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Các đối tượng làm ăn phi pháp bất chấp quy định của pháp luật, lợi dụng tình hình thị trường để gia tăng hoạt động buôn bán, sản xuất hàng giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi và được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, mặt hàng, đối tượng. Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều cách khác nhau. Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng trong đó có QLTT đã tiến hành tấn công mạnh mẽ vào các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm, tuy nhiên hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn né tránh, tái diễn và tìm cách tuồn vào trong các kênh phân phối.