Tổng cục Hải quan: Tạo thuận lợi hóa thương mại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Tổng cục Hải quan cho biết, hoạt động thương mại xuyên biên giới đối với cộng đồng doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn, do các quốc gia, trong đó có Việt Nam, áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới, hạn chế xuất nhập cảnh, đóng các đường mòn, lối mở biên giới, hạn chế các chuyến bay... để chống dịch Covid-19. Để tháo gớ vướng mắc khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi hóa thương mại, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với một số hiệp hội, doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố hàng ngày báo cáo tình hình vướng mắc của doanh nghiệp về Tổng cục Hải quan để kịp thời có phương án xử lý, đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo hải quan các tỉnh, thành phố có các sân bay quốc tế tạo thuận lợi thủ tục khách xuất nhập cảnh, phối hợp giải tỏa nhanh hành khách đảm bảo phòng chống dịch và tuân thủ đúng pháp luật hải quan, triển khai thông quan nhanh đối với hàng hóa.
Hướng dẫn, giải quyết thủ tục hải quan |
Tại các tỉnh biên giới, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo hải quan địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội đàm với các cơ quan chức năng nước bạn để tạo thuận lợi giao thương, trên cơ sở vẫn tuân thủ các qui định chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt của Trung Quốc để giải tỏa ách tắc phương tiện, hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu biên giới, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu, máy móc thiết bị về phục vụ sản xuất trong nước.
Tại tỉnh biên giới Lào Cai, để thông quan nhanh hàng hóa, cơ quan hải quan đã triển khai giải pháp hỗ trợ kiểm soát phương tiện thông qua thành lập đội xe trung chuyển từ cửa khẩu về các địa điểm kiểm tra, giúp đội ngũ lái xe chuyên nghiệp không phải cách ly 14 ngày theo qui định. Hải quan cũng đã cho phép phương tiện chở hàng hóa siêu trường, siêu trọng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được đi sâu vào nội địa giao hàng và quay trở lại.
Tại Lạng Sơn, nơi diễn ra ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi cục hải quan tăng giờ làm việc, đẩy nhanh thông quan, điều tiết lượng xe hàng qua cửa khẩu phù hợp với năng lực bốc xếp để tránh hàng hóa của doanh nghiệp phải lưu bãi lâu bên phía Trung Quốc; tham gia hội đàm với phía Trung Quốc để mở lại các hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, tăng năng lực tại các khu vực kho bãi cửa khẩu.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt - Trung |
Liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp nộp bản gốc giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do ảnh hưởng dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47/2020/TT-BTC, trong đó gia hạn cho doanh nghiệp được nộp C/O trong thời gian 01 năm kể từ ngày được cấp (quy định trước là 30 ngày); chấp nhận C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử hoặc bản chụp (scan) để nộp (trước đây quy định bản gốc); áp dụng cho các tờ khai hải quan nhập khẩu đăng ký từ ngày 23/1/2020 cho đến khi công bố hết dịch. Điều này đã giúp các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đặc biệt khi chưa có bản gốc chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Nhận được phản ánh của doanh nghiệp nêu khó khăn về sử dụng mã vạch gắn trên hàng hóa xuất khẩu, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố khi làm thủ tục hải quan hàng hóa xuất khẩu, không yêu cầu người khai phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài, mà người khai hải quan phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Liên quan đến chứng từ vận tải hàng hóa quá cảnh, chuyển tải qua nước không phải là thành viên Hiệp định CPTPP, hải quan Việt Nam cũng đã không yêu cầu phải nộp chứng từ chứng minh đối với hàng hóa vận chuyển nguyên container, nguyên chì từ nước xuất khẩu đến Việt Nam; chấp nhận vận đơn chủ cho từng chặng, vận đơn thứ cấp, nếu trên vận đơn thứ cấp thể hiện hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu; không xử phạt phương tiện vận tải quá thời hạn tái nhập, tái xuất nếu có tài liệu xác định thuộc trường hợp bất khả kháng (do bị áp dụng biện pháp tạm dừng xuất nhập cảnh, hoặc người điều khiển phương tiện phải cách ly tại thời điểm phương tiện phải tái xuất, tái nhập)...
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đã triển khai thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia và giám sát tự động tại sân bay quốc tế Nội Bài, góp phần giúp cho doanh nghiệp cắt giảm được chi phí nhân công, thời gian đi lại giải quyết các thủ tục đưa hàng ra, vào khu vực cảng, giảm thời gian và chi phí hoàn tất thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, chi phí lưu kho bãi. Doanh nghiệp không phải sử dụng chứng từ giấy xuất trình với hải quan như trước, mà đã được điện tử hóa trên hệ thống với thông tin trao đổi, xử lý nhanh chóng và chính xác...