Tổng cục Hải quan: Bám sát kế hoạch thực thi EVFTA
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, trước khi chính thức ban hành Kế hoạch thực hiện EVFTA của ngành, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính để rà soát nội dung pháp lý trong EVFTA, xây dựng dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện EVFTA giai đoạn 2020-2022; tham gia ý kiến xây dựng Thông tư 11/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA; tuyên truyền, phổ biến các nội dung cam kết EVFTA liên quan đến lĩnh vực hải quan...
Liên quan đến các cam kết EVFTA trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại, theo Tổng cục Hải quan, về cơ bản hiện nay hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương thích với EVFTA. Trong đó, Nghị định thư số 2 của EVFTA gồm các nội dung quyền và nghĩa vụ giữa hải quan EU và Việt Nam không trực tiếp ảnh hưởng hay làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của các chủ thể hoạt động xuất nhập khẩu hai bên, không tác động trực tiếp tới các thủ tục, trình tự, điều kiện hải quan hay trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan hải quan với các chủ thể xuất nhập khẩu. Các cam kết trong Nghị định thư số 2 đều nằm trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hải quan mỗi bên theo luật pháp quốc gia và không làm phát sinh thêm quyền và nghĩa vụ khác, phù hợp với Luật Hải quan năm 2014.
EVFTA đã chính thức có hiệu lực thực thi kể từ ngày 1/8/2020 (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho biết, vẫn có một nội dung về việc không bắt buộc sử dụng đại lý hải quan tại Điều 4.11, Chương 4 của EVFTA dù đã phù hợp với Luật Hải quan, nhưng chưa hoàn toàn tương thích với Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP về sử dụng đại lý hải quan đối với thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam khi xuất nhập khẩu hàng hóa. Do vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất Bộ Công Thương và Bộ Tư pháp trình Chính phủ trình Quốc hội cho áp dụng trực tiếp Điều 4.11, Chương 4 và đã được Quốc hội phê duyệt. Dự kiến trong năm 2021, Tổng cục Hải quan sẽ trình Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP cho tương thích với các cam kết EVFTA.
Trên cơ sở kế hoạch thực hiện EVFTA đã ban hành, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn EVFTA cho cán bộ tại các đơn vị nghiệp vụ, cán bộ thực thi tại cửa khẩu về các cam kết cụ thể, đặc biệt là về thuế xuất nhập khẩu và xuất xứ hàng hóa, để đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung cam kết EVFTA; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan, đảm bảo minh bạch, quản lý hiện đại, xây dựng quan hệ đối tác hải quan doanh nghiệp…; triển khai Nghị định thư số 2 về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan, xây dựng kế hoạch hợp tác với các cơ quan hải quan EU; thực hiện chế độ báo cáo, theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch hành động thực thi EVFTA trong ngành.
Tổng cục Hải quan cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm thực hiện tốt các cam kết tạo thuận lợi thương mại, thương mại hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, thực thi quyền sở hữu trí tuệ... Kết nối với các đầu mối liên lạc của hải quan EU và cơ quan có thẩm quyền của EU về hải quan nhằm trao đổi các vấn đề hợp tác, xây dựng năng lực, trao đổi thông tin phục vụ công tác chống buôn lậu qua biên giới. Tham gia vào cơ chế thực thi EVFTA như cử đại diện tham gia Ủy ban Thương mại (do Bộ Công Thương chủ trì) và Ủy ban Hải quan và các ủy ban/tổ công tác khác khi có đề nghị từ các bộ, ngành liên quan.
Hàng năm, Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện đánh giá việc triển khai kế hoạch thực hiện EVFTA của ngành, theo dõi các vướng mắc phát sinh liên quan tới lĩnh vực hải quan khi thực thi EVFTA để kịp thời có các giải pháp khắc phục, hoặc đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp.