Tỉnh Thanh Hóa cần làm rõ trách nhiệm địa phương trước cái chết bé trai 4 tuổi tại trang trại hoạt động “chui” nhiều năm
Vụ việc bé trai 4 tuổi chết đuối dưới ao trang trại hoạt động không phép nhiều năm đã dừng lại ở việc thỏa thuận dân sự, gia đình nạn nhân không khiếu kiện nên cơ quan công ankhông thể tiến hành điều tra.
Liên quan đến cái chết thương tâm của bé trai 4 tuổi xảy ra vào chiều 26/5 tại Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm, thuộc địa bàn xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, một lãnh đạo Công an huyện Đông Sơn cho hay: “Nguyên nhân dẫn đến cháu bé tử vong là do đuối nước, nhưng do gia đình nạn nhân không hợp tác, không khiếu kiện nên không thể tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương điện tử, ông Lê Huy Hòa - Chủ tịch UBND xã Đông Thịnh cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự việc một bé trai 4 tuổi gặp nạn tử vong khi đi thăm quan tại Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm, chính quyền địa phương đã yêu cầu cơ sở này đóng cửa, dừng các hoạt động bán vé thăm quan.
Theo chính quyền địa phương, trang trại hoạt động “chui” nói trên được địa phương cho thuê đất để làm nông nghiệp chăn nuôi, trồng cây do bà Lê Thị Tú, trú tại thôn Đà Ninh, xã Đông Thịnh làm chủ và chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động kinh doanh thương mại. Mặc dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng Trang trại T-Farm đã ngang nhiên hoạt động, xem thường pháp luật bán vé thăm quan, kinh doanh dịch vụ nhiều năm qua mà chính quyền địa phương không hề ngăn chặn, xử lý, nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo UBND huyện Đông Sơn để xử lý dứt điểm.
Không chỉ dừng lại ở việc bán vé thu lời, trang trại này còn quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội là mô hình trang trại giáo dục phục vụ tham quan học tập dành cho trẻ mầm non và học sinh từ tiểu học tới THPT cũng như các đoàn gia đình, bạn bè đi du lịch, dã ngoại; dịch vụ tham quan trải nghiệm với dịch vụ nhà hàng, phòng nghỉ dịch vụ kinh doanh nông sản hữu cơ, tổ chức sự kiện…
Dư luận cho rằng, nếu không có chính quyền địa phương “tiếp tay” thì chắc chắn trạng trại này không thể hoạt động “chui” nhiều năm nay. Nếu chính quyền địa phương làm hết trách nhiệm của mình, không buông lỏng quản lý đất đai, thì đã không để xảy ra cái chết thương tâm của bé trai vừa qua; và nếu không có vụ việc đau lòng xảy ra với cháu bé nói trên, thì chính quyền địa phương sẽ làm ngơ để trang trại này hoạt động “chui” đến bao giờ ?!
Để làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc buông lỏng quản lý đất đai và có dấu hiệu “tiếp tay” dẫn đến cái chết thương tâm của bé trai 4 tuổi, ông Lê Trọng Thụ, Bí Thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn, cho biết: “Từ năm 2019, xã đã phát hiện và yêu cầu dừng hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này hoàn thiện thủ tục để xin UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng. Huyện đang xem xét, sẽ xử lý cán bộ có liên quan, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó”.
Như vậy, việc chính quyền địa phương buông lỏng quản lý đất đai đã rõ. Hệ lụy dẫn đến cái chết thương tâm của bé trai vừa qua. Dư luận đang chờ đợi việc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm trong buông lỏng quản lý đất đai trên địa bàn xã Đông Thịnh.
Thiết nghĩ, sau sự việc đau lòng này, UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo UBND các huyện rà soát lại tất cả các trang trại, khu vui chơi giải trí trên địa bàn để chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp hoạt động “chui”, tránh để hậu quả đáng tiếc như đã xảy ra trên địa bàn xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn.