Tỉnh nào ở Đồng bằng sông Cửu Long thuộc diện sáp nhập?
Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ tiêu chuẩn của tỉnh.
Trong đó, tỉnh miền núi, vùng cao có tiêu chuẩn về dân số từ 900.000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 8.000km2 trở lên. Các tỉnh còn lại có tiêu chuẩn về dân số từ 1,4 triệu người trở lên và diện tích tự nhiên từ 5.000km2 trở lên.
Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, theo nghị quyết, phải từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất một thành phố hoặc một thị xã.
Bản đồ hành chính vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa |
Theo đó, các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cần đáp ứng tiêu chuẩn về dân số từ 1,4 triệu người trở lên và diện tích tự nhiên từ 5.000 km² trở lên. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê đến năm 2024 của Tổng cục Thống kê, nhiều tỉnh trong khu vực không đồng thời đáp ứng cả hai tiêu chí này.
Cụ thể, tỉnh Hậu Giang có dân số khoảng 0,8 triệu người với diện tích 1.621,8 km², tỉnh Bạc Liêu có 1 triệu người với diện tích 2.669 km², tỉnh Trà Vinh có 1 triệu người với diện tích 2.358,2 km², tỉnh Vĩnh Long có 1,1 triệu người với diện tích 1.475 km² và tỉnh Bến Tre có 1,3 triệu người với diện tích 2.394,6 km². Các tỉnh này đều có dân số dưới 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên dưới 5.000 km², chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Tuy nhiên, việc sáp nhập tỉnh không chỉ căn cứ vào tiêu chí diện tích và dân số mà còn phải xem xét các yếu tố khác như an ninh - quốc phòng, vị trí địa lý, đặc điểm kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển vùng, văn hóa cộng đồng dân cư và điều kiện tự nhiên.
Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đây là vùng có địa hình đặc thù với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và thủy sản. Việc sáp nhập các tỉnh trong khu vực này cần được tính toán cẩn trọng để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm địa phận 13 tỉnh, thành là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, có diện tích tự nhiên 39.734 km2 chiếm 12,2% diện tích tự nhiên cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm khoảng 19% dân số cả nước. |