Tinh gọn và hiệu quả hơn
Trụ sở Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - VINAFOR |
Những thay đổi căn bản
5 năm trước, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Nông, Lâm nghiệp và ngay sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Nông, Lâm nghiệp đã tạo nhiều luồng ý kiến trong những người đã gắn bó lâu với ngành nông nghiệp. Bởi thời điểm đó, mặc dù hoạt động của các doanh nghiệp lâm nghiệp quốc doanh chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng nhưng nếp làm ăn cũ vẫn in sâu, khiến việc chuyển đổi gây tâm lý xáo trộn.
Tuy nhiên, khẳng định vị trí đi đầu trong ngành lâm nghiệp, thấu hiểu mục tiêu cơ bản của các chủ trương này là nhằm đổi mới căn bản cơ chế quản lý, quản trị công ty, quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên rừng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tiếp tục duy trì và hình thành vùng hàng hóa tập trung, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường, thực hiện liên kết sản xuất giữa công ty nông, lâm nghiệp với hộ nông dân và thành phần kinh tế khác trên địa bàn…, VINAFOR đã chủ động báo cáo Chính phủ để thực hiện sắp xếp các công ty lâm nghiệp trước khi có Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Nông, Lâm nghiệp. VINAFOR xây dựng phương án sắp xếp đồng thời công ty mẹ và các công ty TNHH có 100% vốn, sau đó, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa tại Quyết định số 215/QĐ-TTg. Ngày 1/9/2016, VINAFOR chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần và tháng 1/2017, cổ phiếu của VINAFOR chính thức giao dịch trên sàn UPCOM…
Bằng sự quyết tâm, đồng thuận và sáng tạo trong cách làm, kiên định thực hiện mục tiêu cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ngay từ những bước đầu tiên trong tiến trình cổ phần hóa, VINAFOR tổ chức bộ máy quản lý các đơn vị lâm nghiệp theo hướng tinh giản gọn nhẹ, xóa bỏ các lâm trường, bộ phận trung gian, giảm bộ phận gián tiếp, tăng cường lực lượng trực tiếp làm công tác trồng, quản lý bảo vệ rừng… Nhờ đó, tạo nền móng vững chắc để triển khai những kế hoạch kinh doanh lâu dài.
Hiệu quả ghi nhận
Phát huy kinh nghiệm lâu năm trong ngành lâm nghiệp, thay vì dàn trải nhiều lĩnh vực, VINAFOR đã tập trung nhiều hơn vào ngành nghề cốt lõi là trồng rừng. Trong đó, đầu tư cho trồng rừng thâm canh, đầu tư cao, cơ giới hóa vào làm đất, bón phân tổng hợp, cải tạo rừng, kéo dài chu kỳ kinh doanh để cung cấp gỗ có đường kính lớn, tiếp tục duy trì ổn định diện tích 20.285ha có chứng chỉ rừng FSC®… Đây được đánh giá là hướng đi đúng đắn, kịp thời vì trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi các đối tác đòi hỏi ngày càng cao về gỗ nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, nguồn gỗ từ VINAFOR là một trong những sự lựa chọn tin cậy.
VINAFOR cũng tập trung cho cải tạo giống cây trồng rừng, đưa những giống mới, năng suất cao, giống tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng. Đây được đánh giá là bước đột phá bởi cây giống là một trong những vấn đề cốt lõi của trồng rừng. Chỉ tính riêng trong 3 năm 2017, 2018, 2019, VINAFOR đã khảo nghiệm 55 giống mới, đến nay chọn ra được 14 giống mới để trồng đại trà, diện tích trồng rừng bằng giống mới chiếm 50% diện tích trồng hàng năm.
Với lĩnh vực quản lý đất đai, đến nay, tổng diện tích đất dự kiến giữ lại quản lý là 43.669,78ha cơ bản đã được đo đạc, cắm mốc, cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, diện tích đất đã đo đạc, cắm mốc xong khoảng 34.892,90ha (chiếm 80%), diện tích còn lại 8.776,88ha đang trong quá trình thực hiện. Toàn bộ diện tích rừng và đất rừng trồng của VINAFOR nằm trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, tại 49 huyện, 149 xã, thuộc các vùng chiến lược, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh. Việc đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất lâm nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trồng rừng đã từng bước giúp người dân thay đổi tập quán trồng rừng quảng canh trước kia, tạo được vai trò dẫn dắt đối với hoạt động sản xuất lâm nghiệp tại các địa phương. Đây cũng là mô hình sản xuất lâm nghiệp hiệu quả để người dân trong vùng mong muốn hợp tác lâu dài trong công tác trồng rừng với VINAFOR.
Bằng hướng đi đúng đắn, các công ty lâm nghiệp của VINAFOR đã và đang trở thành trung tâm liên kết sản xuất đối với nhân dân trong vùng. Các công ty đang đóng vai trò hạt nhân để dẫn dắt người dân địa phương làm lâm nghiệp trên chính mảnh đất của họ về giống mới, về áp dụng khoa học - kỹ thuật, chế biến lâm sản, thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất của người dân trên địa bàn; tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống từ nghề rừng, đặc biệt cho bà con vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Việc mang lại lợi ích cho người dân cũng như đóng góp cho địa phương cũng chính là góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, vùng sâu, vùng xa, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30, có thể nói, việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp của VINAFOR cơ bản thay đổi về chất từ bên trong. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đem lại hiệu quả, giúp cho các công ty giữ được ngành nghề chính, hạn chế lấn, chiếm đất đai, khai thác rừng trái phép; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời gắn liền lợi ích của đồng bào dân tộc, người nhận khoán với lợi ích các công ty lâm nghiệp. Những nỗ lực của VINAFOR đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong việc thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là phần thưởng xứng đáng và là động lực để VINAFOR tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng.
5 năm triển khai nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị đã giúp VINAFOR không chỉ có được hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh mà còn mang đến hiệu quả xã hội lớn, bảo vệ và phát huy hiệu quả đất rừng, giữ bình yên trên những cánh rừng quý. |