Tăng trưởng tín dụng: Có đạt mục tiêu Chính phủ đề ra? Nới ''tấm áo'' chật cho tín dụng chính sách Tín dụng tăng trưởng ''thần tốc'', hơn 810 nghìn tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế |
Tăng trưởng tín dụng tháng 6 cao hơn 5 tháng đầu năm
Tăng trưởng tín dụng trong quý 1/2024 chỉ đạt 0,3% so với đầu năm, bước sang tháng 4 và đầu tháng 5, đà tăng đã rõ nét hơn nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, đạt xấp xỉ 2% so với cuối năm 2023.
Từ thực tế này, tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra giữa tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo ngành ngân hàng dứt khoát thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng; tiết giảm chi phí, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng, phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng việc làm, tạo sinh kế cho người dân, phấn đấu tăng tín dụng 5 - 6% ngay trong quý II/2024.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại đã vào cuộc mạnh mẽ để đẩy vốn ra nền kinh tế và đến cuối tháng 5 con số tăng trưởng được ghi nhận ở mức 2,6%.
Với mục tiêu Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu mức tăng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức 5 - 6%, giới quan sát và cả một số ngân hàng thương mại cũng lo ngại con số này khó có thể thực hiện bởi chỉ còn 1 tháng.
Riêng trong tháng 6 có tới 270.000 tỷ đồng được cho vay ra |
Nhưng không, kết quả tăng trưởng tín dụng của tháng 6 vừa công bố đã “gây sốc” khi đạt tới 3,4%, góp phần đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm mà Thủ tướng yêu cầu. Cụ thể, tính đến 28/6, theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng nền kinh tế đạt trên 14,3 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm đã có thêm gần 1 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế. Riêng trong tháng 6 có tới 270.000 tỷ đồng được cho vay ra.
Chỉ trong 1 tháng, tín dụng đã tăng hơn cả 5 tháng còn lại. Điều gì đang diễn ra với con số tăng trưởng tín dụng và liệu đây là con số thật hay được các ngân hàng “làm đẹp”?
Câu trả lời từ nhiều địa phương và ngân hàng cho thấy, sự bứt tốc của tín dụng trong tháng 6 là có thật. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng trong tháng 6 đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tháng đầu năm với tăng 2,03%, đưa mức tăng 6 tháng đầu năm của thành phố là 4%. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thông tin, lãi suất thấp cùng với các chương trình tín dụng tập trung và các gói tín dụng ưu đãi; chính sách cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp là yếu tố giúp tín dụng của địa phương này tháng sau cao hơn tháng trước và bứt phá trong tháng 6. Hay tại tỉnh Thái Nguyên, đến hết 30/6/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 111.020 tỷ đồng, tăng 3,68%, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 104.032 tỷ đồng, tăng 8,26% so với 31/12/2023, là mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành.
Ở nhóm các ngân hàng thương mại cũng ghi nhật sự bứt phá nhanh của tín dụng tháng 6. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tăng trưởng tín dụng của nhà băng này tính đến ngày 28/6 đạt 5,83%. Đáng nói, chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 6, dư nợ tín dụng của BIDV đã mở rộng thêm 1,13 điểm % so với cuối năm 2023, lượng vốn bơm ra nền kinh tế trong 10 ngày cuối tháng 6 đạt gần 20.000 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng trong tháng 6 có tốc độ “thần tốc”, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiều khoản vay, hợp đồng tín dụng đã ký kết được đẩy mạnh giải ngân trong tháng 6. Bên cạnh đó, tại hội nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của toàn ngành, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những đơn vị có khả năng phát triển hơn.
Tiền vào các dự án lớn, các lĩnh vực ưu tiên và đà phục hồi của hoạt động đầu tư |
Tiền chảy vào đâu?
Tiền vào các dự án lớn, các lĩnh vực ưu tiên và đà phục hồi của hoạt động đầu tư, tiêu dùng, thị trường bất động sản là yếu tố giúp tăng tín dụng trong nửa đầu năm nay.
Con số của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 5/2024, tín dụng đối với các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động thương mại… đều tăng trưởng dương. Trong đó, cho vay lĩnh vực công nghiệp có mức tăng cao nhất là 5,6% so với cuối năm 2023, đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng; cho vay lĩnh vực thương mại tăng 3,82%, với dư nợ là 3,577 triệu tỷ đồng…
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, tại TP. Hồ Chí Minh, dòng vốn ngân hàng đã tập trung vào 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.582 nghìn tỷ đồng; trong đó dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 82% tổng dư nợ cho vay. Ngoài ra, tín dụng bất động sản trên địa bàn cũng đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Riêng tháng 5, cho vay bất động sản tăng trưởng 1,15%, đạt mức dư nợ 992,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của thành phố.
Tại Thái Nguyên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và một số công ty chứng khoán, tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024. Yếu tố tác động chính là mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu cho vay và nền kinh tế phục hồi. Đồng thời, hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi; tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô dự kiến sẽ giúp tín dụng cao hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ tăng dần.
TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm: Tín dụng dự báo cả năm tăng 13 - 14%, phù hợp với diễn biến vĩ mô, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Các tổ chức tín dụng trong một kỳ khảo sát gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước cũng lạc quan rằng, dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,7% trong quý 3/2024 và tăng 14,1% trong năm 2024.