Tìm đầu ra cho sản phẩm gia cầm ngoài vùng dịch
Dù không nằm trong vùng dịch nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn đang thua lỗ nặng
- Hệ lụy của dịch
Ông Đào Văn Thuyên – chủ trang trại gà siêu trứng tại thôn Vĩnh Đại, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng, Hải Dương)- cho biết, hiện nay trang trại của anh còn hơn 1.000 con đã quá tuổi xuất chuồng và hơn 15 vạn quả trứng chưa tìm được đầu ra. “Mặc dù gà không bị nhiễm dịch nhưng cũng không bán được bởi thông tin có dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh” – anh Thuyên cho hay.
Trang trại của anh Thuyên chỉ là một trong nhiều trang trại trong cả nước đang rơi vào tình trạng “ế”. Mặc dù không nằm trong vùng dịch, nhưng những trang trại này cũng đang thua lỗ nặng. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, từ khi thả nuôi, sau 3 tháng, cứ 1.000 con gà sẽ ăn hết 170 bao cám (320.000 đồng/bao) là có thể xuất bán được. Với giá bán gần 55.000 - 60.000 đồng/kg (gà ta) thì 1.000 con gà người nuôi sẽ có lãi từ 10 - 13 triệu đồng. Nhưng tình hình hiện nay, chi phí tăng cao, giá gà lông màu giảm chỉ còn 35.000 -40.000 đồng/kg; gà công nghiệp còn 30.000 -35.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ đơn, lỗ kép.
Các sản phẩm trứng gà cũng giảm mạnh xuống còn 10.000 -12.000 đồng/chục, thậm chí có địa phương trứng dưới 1.000 đồng/quả. Giống gia cầm cũng chịu chung cảnh ế ẩm bởi gia cầm không bán được, các trang trại, hộ chăn nuôi không dám tái đàn. Giá giống gia cầm giảm tới 70% chỉ còn 2.000 -2.500 đồng/con…
Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Bên cạnh việc chống dịch, cảnh báo tiêu diệt dịch, cơ quan chức năng cần phải khoanh vùng dịch, để người tiêu dùng ở những vùng không có dịch yên tâm sử dụng thịt, trứng gia cầm, ổn định đầu ra cho người chăn nuôi. |
Tìm đầu ra cho gia cầm vùng miễn dịch
Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho rằng, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt chống dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, bế tắc đầu ra, nhiều trang trại không dám tái đàn. Nhiều khả năng trong những tháng tới, khi dịch chấm dứt, sẽ có nhiều hộ chăn nuôi chưa thể tái đàn kịp thời, gây ra sự thiếu hụt sản phẩm thịt, trứng gia cầm, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường...
Theo ông Quyền, bên cạnh việc chống dịch, cảnh báo tiêu diệt dịch, cơ quan chức năng cần phải khoanh vùng dịch, để những vùng không có dịch người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt trứng gia cầm, ổn định đầu ra cho người chăn nuôi.
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các địa phương liên kết các DN bình ổn với ngân hàng thu mua trữ cấp đông với giá để người nông dân vẫn có lãi. Sau khi hết dịch vẫn đảm bảo nguồn hàng bán cho người tiêu dùng.
Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh: Với mục tiêu giúp tiêu thụ sản phẩm gia cầm cho người chăn nuôi trong bối cảnh tiêu thụ rất khó khăn, đồng thời chuẩn bị sẵn nguồn sản phẩm này sau khi hết dịch… Thành phố đã tiên phong trong việc kết nối DN bình ổn với ngân hàng. Theo đó, ngân hàng Sacombank đã ký kết hợp đồng tín dụng với tổng nguồn vốn 290 tỷ đồng hỗ trợ cho 6 DN tham gia bình ổn thị trường và duy trì sản xuất kinh doanh. Với biện pháp này giá thịt trứng gia cầm ở Đông Nam bộ sau khi bị giảm sâu đã bắt đầu tăng trở lại.
Thanh Hải