Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất dự án Luật Phát triển công nghiệp
Chiều ngày 17/1, Cục Công nghiệp đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng triển khai nhiệm năm 2022.
Hoàn thiện các chính sách lớn về phát triển công nghiệp
Báo cáo tại hội nghị, ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết: bước sang năm thứ 5 vận hành theo mô hình tổ chức mới (cấp Cục), Cục Công nghiệp đã tích cực và chủ động tiến hành có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là trong việc tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xây dựng, hoàn thiện các chính sách lớn phát triển công nghiệp quốc gia đối với các nhóm ngành: Khoáng sản, luyện kim, công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, công nghiệp thực phẩm. “Xác định công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, trong năm 2021, Cục Công nghiệp đã và đang tích cực triển khai xây dựng Luật Phát triển công nghiệp theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025”- ông Trương Thanh Hoài thông tin.
Đáng chú ý, Cục đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan trong việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Sở Công Thương hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết các nội dung của Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Bên cạnh đó, Cục Công nghiệp đã tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp trực tiếp thúc đẩy một số ngành công nghiệp trọng điểm trong bối cảnh dịch bệnh (đơn cử như các chính sách thúc đẩy ngành ô tô như giảm lệ phí trước bạ, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô sản xuất trong nước; thúc đẩy đầu tư công tạo thị trường cho ngành thép, cơ khí…)
Ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp báo cáo tại hội nghị |
“Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phát triển CNHT trợ giai đoạn 2016 - 2025 (được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ) theo nguyên tắc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước; với mục đích nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp CNHT trong nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị của các Tập đoàn đa quốc gia”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh.
Về hợp tác quốc tế, từ năm 2015 - 2021, Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam và UBND các tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương đã phối hợp triển khai chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp trên địa bàn 2 tỉnh, nâng số doanh nghiệp Việt Nam được tư vấn, cải tiến lên 322 doanh nghiệp.
Không những thế, Cục Công nghiệp hỗ trợ Samsung triển khai các chương trình triển lãm (Sourcing fair) trưng bày và tìm kiếm nhà cung cấp hàng năm nhằm hình thành một mạng lưới các doanh nghiệp nội địa tiềm năng. Đến nay, số lượng nhà cung ứng cấp 1 tăng từ 35 doanh nghiệp (năm 2018) lên 51 doanh nghiệp, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp (năm 2018) lên 200 doanh nghiệp.
Với những nỗ lực trên, Cục Công nghiệp đã có những đóng góp nhất định vào những kết quả chính của toàn ngành công nghiệp. Cụ thể, quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 ước tính tăng 4,82% so với năm trước (quý I tăng 6,44%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 4,4%; quý IV tăng 6,52%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,35%; quý III giảm 4,09%; quý IV tăng 7,96%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%...
Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp. Năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%.
Năm 2021, mặc dù khối lượng công việc rất lớn, nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, luyện kim, cơ khí chế tạo, sản xuất ô tô, CNHT, thuốc lá, bia – rượu – nước giải khát, dệt may, da - giày …; đặc biệt là công tác tham mưu xây dựng các chính sách lớn để phát triển ngành cũng như công tác cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước và công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo phòng, chống dịch an toàn, vừa khôi phục sản xuất nhưng Cục Công nghiệp đã hoàn thành tốt công việc được giao. “Công tác điều hành, xử lý công việc của Cục đã có đổi mới theo hướng tích cực và hiệu quả hơn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nhìn nhận.
Khắc phục những tồn tại hạn chế
Ghi nhận những nỗ lực mà Cục Công nghiệp đạt được trong năm 2021, song Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần tập trung vào những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, nhất là trong việc tham mưu chính sách và thực thi chính sách.
Lãnh đạo bộ tham dự hội nghị và phát biểu ý kiến chỉ đạo |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, Cục Công nghiệp cần phải nhìn thẳng thực tế, mục đích và xác định trách nhiệm của mình để cố gắng làm tốt trách nhiệm hơn. Cục Công nghiệp là đơn vị hết sức “non trẻ”, do đó, kinh nghiệm trong công việc và chuyên môn còn chưa cao. Thứ trưởng yêu cầu, khi xác định được điểm yếu cần tìm cách để khắc phục, có thể phối hợp với các chuyên gia, hiệp hội và kể cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Hai năm qua, nhất là năm 2021 con số xuất khẩu của Việt Nam đạt kỷ lục, tăng 19%, trong đó, theo báo cáo cho biết kim ngạch đóng góp trong xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 86,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong kết quả này, Cục cần xem mình đóng góp được những gì?”- Thứ trưởng đặt câu hỏi và lưu ý: “Dù tập thể Cục Công nghiệp đã đã có gắng, nhưng quan trọng là năng lực và kinh nghiệm. Vì thế, chúng ta muốn có chính sách tốt, chúng ta phải giỏi hơn doanh nghiệp, phải có cùng “tiếng nói” với doanh nghiệp”.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu ý kiến tại hội nghị |
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nêu ý kiến, năm 2021, cán bộ công chức, viên chức của Cục Công nghiệp đã có sự nỗ lực trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, Thứ trưởng yêu cầu, phải bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ để cụ thể hóa, đưa chính sách vào đời sống, sao cho chính sách đó có tính thực tiễn hơn, nhất là mảng công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm.
Tiếp thu ý kiến của các Lãnh đạo Bộ, Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng nhìn nhận, công tác tham mưu chính sách còn chưa chủ động, chất lượng chưa cao, cần tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật quản lý và phát triển ngành, các văn bản có tính chất hướng dẫn, chỉ đạo. Nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước quan trọng như dệt may, da giày và công nghiệp thực phẩm vẫn chưa xây dựng được các khung chính sách để khuyến khích phát triển và quản lý nhà nước ngành.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị |
Các phòng chức năng của Cục Công nghiệp đã báo cáo một cách trực diện những vấn đề là điểm nghẽn, những hạn chế, tồn tại; đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, đại diện các Phòng đều chỉ ra hạn chế của đơn vị tập trung chủ yếu vào việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nghiệp vụ của các cán bộ chưa đồng đều; khó khăn trong việc xây dựng các văn bản chính sách…
Tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn dân, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, kết thúc năm 2021 chúng ta đã đạt được thành tựu rất đáng ghi nhận. Tình hình kinh tế, chính trị đất nước cơ bản ổn định, tình hình dịch phức tạp nhưng cơ bản không xảy ra sự cố nào, ở bất kể địa phương, vùng miền nào. Trong thực hiện giãn cách, có những lúc giãn cách trên phạm vi cả nước nhưng không bị đứt gãy chuỗi cung ứng về hàng hóa thiết yếu, hàng hóa xuất khẩu… “Để duy trì được thì sản xuất công nghiệp phải phát triển”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng đánh giá, Cục Công nghiệp đã có đóng góp quan trọng nhằm đảm bảo hàng hóa trong đại dịch không đứt gãy nguồn cung; Đóng góp cho tăng trưởng GDP 2,58%, cho kim ngạch xuất khẩu 337 tỷ USD tăng 19%, xuất nhập khẩu khoảng 670 USD, tăng 23%. Điều này được thể hiện ở các khía cạnh, một là, đã tham mưu xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Bộ và Chính phủ. Tham mưu ban hành nhiều chỉ đạo, khuyến cáo để duy trì các hoạt động sản xuất công nghiệp trong mọi hoàn cảnh, cơ bản không để đứt gãy nghiêm trọng chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước.
Hai là, bước đầu tham mưu chỉ đạo, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất công nghiệp Đặc biệt các ngành công nghiệp chủ chốt nền tảng (vật liệu, luyện kim, cơ khí, chế tạo, hóa chất, điện tử…). Tích cực tham mưu chủ trương phục hồi công nghiệp (trong và sau Covid) theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Chuẩn bị khá tích cực cho đề án xây dựng Luật phát triển Công nghiệp; đề xuất hiệu quả cơ chế ưu tiên của doanh nghiệp.
Ba là, các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp tiếp tục được chấn chỉnh.
Bốn là, các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng linh hoạt (đặc biệt là quá trình xây dựng phát triển Luật phát triển công nghiệp, các chính sách phát triển công nghiệp với UNIDO, các đối tác).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kết luận hội nghị |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà Cục Công nghiệp cần khắc phục trong thời gian tới, cụ thể: Việc nghiên cứu chỉ đạo của Bộ và xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp địa phương chưa được quan tâm chỉ đạo, đôn đốc; thiếu chủ động kịp thời, quyết liệt, chính xác trong tham mưu ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp. Công tác kiểm tra giám sát, xử lý sai phạm trong lĩnh vực công nghiệp, nhìn chung chưa đạt yêu cầu đề ra; những vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp chậm đươc giải quyết. Sự phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, với các đơn vị liên quan thuộc Bộ chưa tốt.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chủ quan là do việc quán triệt chủ trương, Nghị quyết chưa sâu sắc, nắm thông tin chưa chắc chắn dẫn đến lúng túng; Tư duy cấm quản còn nặng hơn “khuyến khích” phát triển để giải phóng năng lực xã hội…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, đại dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2022, trên thế giới đều đã và đang điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế, hướng đến tự chủ nguồn cung, bảo hộ sản xuất trong nước… “Xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại giữa các quốc gia đã, đang diễn ra và ngày càng gay gắt hơn. Lạm phát toàn cầu chắc chắn sẽ diễn ra bởi các quốc gia đều tung gói kích cầu, tác động đến thị trường và giá cả toàn cầu. Việc Việt Nam hiện là đối tác của trên 70 quốc gia, vùng lãnh thổ qua các FTA mang lại cơ hội nhưng đi kèm với thách thức cũng rất lớn”- Bộ trưởng nêu rõ.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho Cục Công nghiệp trong năm 2022 và thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt các quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về định hướng phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, 2045 để tham mưu cho cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình hành động, triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp. Trong quá trình thực hiện tiếp tục đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách kịp thời. “Trước mắt là tham mưu xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi công nghiệp, thương mại trong bối cảnh Covid-19 và hậu Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ; xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ năm 2022 và Chương trình phục hồi kinh tế”- Bộ trưởng giao nhiệm vụ.
Thứ hai, khẩn trương nghiên cứu, tham mưu đề án, kế hoạch và chuẩn bị nội dung cho việc tổng kết mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tập trung nghiên cứu, đề xuất dự án Luật Phát triển công nghiệp; có các chính sách, cơ chế nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đủ sức tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đủ sức đầu tư ra nước ngoài để có khả năng tiếp cận công nghiệp, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và thay đổi tầm nhìn. Đặc biệt, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm xây dựng và thực thi chính sách của các nước phát triển, các đối tác phát triển quốc tế.
Phối hợp với các đơn vị liên quan và Sở Công Thương địa phương đôn đốc, giám sát việc xây dựng các chiến lược phát triển công nghiệp địa phương để khẩn trương tích hợp với quy hoạch vùng, tỉnh,thành phố.
Thứ ba, tập trung nghiên cứu, tranh thủ ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, các doanh nghiệp,… để tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, nhất là vật liệu, luyện kim, cơ khí, chế tạo, chế biến, điện tử.
Thứ tư, chú trọng rà soát, kiểm tra, xử lý những sai phạm; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực được giao, đặc biệt là lĩnh vực thẩm định, cấp phép, thực hiện các quy định, quy chuẩn hiện hành để không xảy ra trục lợi chính sách. Kịp thời nắm bắt, phát hiện và đề xuất cơ chế chính sách khắc phục các yếu kém còn tồn tại. Phối hợp làm tốt công tác kiểm tra, loại bỏ tham nhũng chính sách, trục lợi chính sách. Phối hợp làm tốt công tác truyền thông về ngành nhằm tăng đồng thuận, chia sẻ trong xã hội.
Thứ năm, quan tâm công tác tuyển chọn, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ công chức cả về lý luận và thực tiễn; tạo điều kiện để các cán bộ công chức luân chuyển hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ở công tác quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, nâng cao nhận thức chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ và phẩm chất, đạo đức, đặc biệt chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ.
Về phương hướng, nhiệm vụ của năm 2022, Cục Công nghiệp sẽ tập trung hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp để báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 – 2023, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong năm 2022. |