Hội nghị đối thoại doanh nghiệp “Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan” do Bộ Xây dựng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức quy tụ hơn 200 doanh nghiệp, 30 hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan trung ương và địa phương.
Qua nhiều lần tổ chức đối thoại trước, tiếp nhận phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, các hội, hiệp hội nghề nghiệp, Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng.
Trong nhiều nhiệm vụ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương được giao trong các Nghị quyết, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng - là một trong các chỉ số được Ngân hàng Thế giới đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế.
Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và 2022.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng - cho rằng, dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh của ngành, Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và “dư địa cải cách vẫn còn rất lớn”, Bộ trưởng Nghị nhìn nhận.
Tinh thần này cũng đã được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ tại hội nghị khi Chủ tịch VCCI cho rằng, việc gỡ các điểm nghẽn về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp nhiều khi có giá trị ngang với các gói cứu trợ dành cho doanh nghiệp.
Cũng tại hội nghị này, Báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường: Một số kết quả từ khảo sát doanh nghiệp năm 2020” đã được công bố. Đây là báo cáo do VCCI chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Australia.
“Kết quả báo cáo là trải nghiệm trực tiếp của gần 2.000 doanh nghiệp có thực hiện hoạt động xây dựng công trình trong 2 năm gần nhất, trong số gần 10.200 doanh nghiệp phản hồi khảo sát của VCCI”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - cho biết.
Báo cáo cho thấy, 50% doanh nghiệp trả lời còn gặp trở ngại với các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% gặp trở ngại với các thủ tục về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; hơn 40% gặp khó khăn với các thủ tục về thẩm định, phê duyệt và 40,9% gặp khó khăn về quyết định chủ trương đầu tư....
Về thời gian trong cấp giấy phép xây dựng, một doanh nghiệp cần khoảng 3 lượt tới các cơ quan Nhà nước để hoàn tất việc xin cấp phép. Thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp là khoảng gần 24 ngày. Năm 2020, thời gian cần thiết để nhận được giấy phép xây dựng đã giảm hơn so với kết quả của năm 2019.
“Nếu được cơ quan chức năng hướng dẫn “chuẩn” hơn thì thời gian còn có thể được kéo giảm xuống nữa”- ông Tuấn nói.
Báo cáo này cũng đưa ra một góc nhìn cho thấy sự khác biệt giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) so sánh với doanh nghiệp tư nhân trong nước về cách chọn lựa địa điểm đầu tư, các quy định pháp lý và cách đối xử của chính quyền địa phương... Theo đó, mặc dù đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước việc nhận quyết định chủ trương đầu tư còn rất khó khăn nhưng đối với các doanh nghiệp FDI lại "không phải là vấn đề quá lớn".
Báo cáo của VCCI khuyến nghị cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, minh họa dễ hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục liên ngành trong lĩnh vực xây dựng; lập các trang thông tin hỏi đáp về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng để cập nhật thường xuyên các văn bản pháp lý, các tình huống hay gặp phải và giải pháp xử lý.
Cùng đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính thông qua các cổng dịch vụ công trực tuyến; rà soát hệ thống pháp luật về đầu tư và các lĩnh vực có liên quan như phòng cháy, chữa cháy, đất đai, môi trường để tiếp tục cải cách theo hướng lồng ghép, tích hợp thành các nhóm thủ tục để giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ cho doanh nghiệp.