Thương mại điện tử: Chủ động để đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0
Hoàn thành nhiều mục tiêu
Tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT & KTS cho biết, trong năm 2018, Cục đã nghiêm túc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Cụ thể, triển khai dịch vụ công và Chính phủ điện tử là một trong những nhiệm vụ lớn mà Cục TMĐT & KTSsố đã thực hiện thành công trong năm 2018. Triển khai Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Cục đã rà soát, thống kê, giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến, ban hành sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm pháp lý hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng: Thời gian tới, Cục TMĐT & KTS cần chủ động làm tốt hơn để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 |
Đáng chú ý, trong năm 2018, Cục đã phối hợp với các đơn vị có thủ tục hành chính (TTHC) liên quan triển khai mới 15 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), cập nhật, nâng cấp 23 DVCTT thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, an toàn công nghiệp, điện… Hoàn tất xây dựng 10 DVCTT mức độ 4 thuộc lĩnh vực năng lượng, xúc tiến thương mại, lưu thông hàng hóa trong nước. Xây dựng mới, nâng cấp, đưa tổng số DVCTT mức độ 3, 4 của Bộ lên 143 DVCTT trên tổng số 294 TTHC. Các DVCTT ở mức độ này đã tiếp nhận và xử lý trên môi trường mạng tổng cộng hơn 900.000 bộ hồ sơ điện tử.
Đối với triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Cục đã nghiên cứu và xây dựng đề cương sơ bộ cho “Đề án phát triển Kinh tế số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” hay còn gọi là Đề án phát triển kinh tế Số. “Theo đó, báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng của DN công nghiệp trong tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đề xuất các điều chỉnh trong định hướng phát triển của ngành Công Thương trong thời gian tới, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi số tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”- ông Đặng Hoàng Hải chỉ rõ.
Trong quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Cục đã quản lý đăng ký, thông báo website thương mại điện tử với việc tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ hơn 7.900 DN và gần 2.800 cá nhân đăng ký tài khoản; Xử lý gần 10.260 website thương mại điện tử thực hiện thủ tục thông báo và gần 680 website đăng ký. Cổng online.gov.vn đã xét duyệt trên 31.000 hồ sơ DN. 8.400 hồ sơ cá nhân; 24.268 thông báo website TMĐT bán hàng đã duyệt và 951 website đăng ký cung cấp dịch vụ TMĐT được duyệt điện tử và đã xác nhận. Bên cạnh đó, Cục đã tiếp nhận và xử lý gần 2.710 lượt phản ánh trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT về các hành vi như không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng…
Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục TMĐT & KTS báo cáo tại hội nghị |
Sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) ngày 7/12/2018, được coi là hoạt động nổi bật trong năm được Cục tổ chức, đã thu hút hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia với trên 27.000 sản phẩm, khoảng 1,4 triệu người tham gia mua sắm với khoảng 1,8 triệu đơn hàng được đặt thành công, doanh thu đạt khoảng 1.600 tỷ đồng.
Năm 2019, tập trung vào nhiệm vụ cụ thể
Nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT, theo ông Đặng Hoàng Hải năm 2019 là một năm bản lề, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách về TMĐT và kinh tế số. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật về TMĐT và xử lý xi phạm nếu có. Tiếp tục triển khai Chương trình phát triển TMĐT và các chương trình hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến TMĐT đồng thời đẩy mạnh triển khai DVCTT và Chính phủ điện tử.
Để tạo thêm động lực mới, ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT(Cục TMĐT & KTS) cho biết: Hiệp hội TMĐT Việt Nam đã đề xuất cùng phối hợp với Bộ Công Thương hướng phát triển TMĐT bền vững. “Một trong những mục tiêu chính của chương trình này là đến 2025 TMĐT của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước, tốc độ tăng trưởng vẫn giữ ở mức 25-30%/năm nhưng chỉ chiếm 50% giá trị giao dịch trên toàn thị trường, 50% còn lại sẽ thuộc về 61 tỉnh thành trong cả nước”- ông Nguyễn Kỳ Minh chia sẻ.
Trên cơ sở báo cáo tổng kết và kế hoạch công tác của Cục TMĐT &KTS, tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao nỗ lực của Cục thời gian qua. Cụ thể, Cục đã chủ động xử lý rất tốt chương trình, kế hoạch của mình như công tác quy phạm pháp luật, DVCTT, chính phủ điện tử, Chỉ thị 16, công nghiệp 4.0, hợp tác quốc tế… “Trong thời gian tới, Cục cần chủ động làm tốt hơn, mạnh mẽ hơn để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”- Thứ trưởng lưu ý.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đề nghị, năm 2019 cần có mục tiêu ngắn hạn, dài hạn đối với lĩnh vực TMĐT; mỗi vấn đề đưa ra phải có mục tiêu cụ thể, cũng như đánh giá kết quả trong một năm thực hiện để xem lĩnh vực này đang đứng ở đâu và bức tranh phát triển TMĐT sẽ như thế nào?
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Cục TMĐT &KTS nghiên cứu và đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng để tạo ra nền tảng thúc đẩy phát triển nền kinh tế Số.